Vietstock - Có nên điều chỉnh lương tối thiểu từ 1.7 hằng năm?
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2022 chuyển sang điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng ở thời điểm 1.7 là không hợp lý, gây xáo trộn cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thay đổi thời điểm tăng lương tối thiểu sang tháng 7 sẽ gây xáo trộn trong sản xuất, kinh doanh ẢNH: T.HẰNG
|
Thay vì điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng vào 1.1 như hằng năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị từ năm 2022 chuyển sang điều chỉnh ở thời điểm 1.7. Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đề xuất này không hợp lý, gây xáo trộn cho doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã giao Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu đề nghị của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc xem xét điều chỉnh thời điểm tăng lương tối thiểu (LTT) bắt đầu từ 1.1 hằng năm sang ngày 1.7 hằng năm, áp dụng từ năm 2022.
Thay đổi để giảm áp lực cho doanh nghiệp?
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay đề xuất này được Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra tại buổi làm việc với Thủ tướng vào cuối tháng 12.2020, nhằm đảm bảo đồng bộ với thời điểm tăng lương cơ sở khu vực công chức, viên chức. Ngoài ra, từ thực tiễn những năm qua cho thấy mỗi lần tăng lương, ít nhiều giá cả các mặt hàng, dịch vụ sẽ tăng. Trong khi đó, cuối năm doanh nghiệp (DN) có quá nhiều khoản phải chi như lương, thưởng tết, quyết toán tiền bảo hiểm..., và nếu thêm tăng lương thì đây là áp lực lớn cho DN về tài chính, quỹ lương.
“Tăng lương đầu năm có thể khiến DN bị áp lực, quan hệ lao động cũng bị ảnh hưởng, nhiều nơi xảy ra đình công. Ưu điểm của việc lùi thời điểm tăng LTT sang giữa năm sẽ hạn chế khó khăn cho DN về tài chính vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời giảm được một lần tăng giá trong năm, nhất là vào thời điểm giáp tết”, ông Quảng phân tích.
Phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, chuyển thời điểm tăng lương sang tháng 7 cũng là thời điểm thích hợp để Hội đồng tiền lương nắm số liệu tổng kết tình hình kinh tế - xã hội của năm trước (gần sát nhất) phân tích phục vụ cho việc đề xuất tăng lương những năm tiếp theo.
Nhiều doanh nghiệp không đồng tình
Trước đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 1.3, Bộ LĐ-TB-XH đã xin ý kiến của các bộ, ngành và các hiệp hội DN trước khi trình Thủ tướng. Quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH là đề nghị giữ nguyên thời điểm tăng LTT trùng với thời điểm bắt đầu của năm tài chính (1.1) như thời gian qua.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, bộ luật Lao động hiện không ấn định thời điểm điều chỉnh LTT cụ thể, mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh LTT. Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 18 lần điều chỉnh LTT nói chung, trong đó có 3 lần thay đổi thời điểm điều chỉnh sang tháng 10 vào năm 2005, 2006 và năm 2011; 15 lần còn lại là tăng vào tháng 1.1. Việc 3 lần thay đổi thời điểm tăng LTT sang tháng 10 là do năm 2005, 2006, LTT khu vực DN áp dụng chung cho cả khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nên điều chỉnh lại là phù hợp với khả năng ngân sách. Còn năm 2011, Chính phủ điều chỉnh LTT vào tháng 10 để kéo giãn tác động đến DN, tránh điều chỉnh quá cao trong 1 lần khi thực hiện lộ trình thống nhất mức LTT của DN trong nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài trong năm này.
Qua nghiên cứu từ các nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết: “Đa số các quốc gia đều chọn thời điểm tăng LTT trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo điều kiện thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó có một số nước chọn thời điểm tăng từ 1.1 gồm: Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan... Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ 1.1 và kết thúc vào 31.12. Theo đó, việc Việt Nam lựa chọn thời điểm này để điều chỉnh lương là phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Về quan hệ lao động, Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết thực tế thời gian qua tình hình quan hệ lao động trong các DN duy trì khá ổn định. Nếu chuyển sang thời điểm 1.7, DN và người lao động, tổ chức đại diện người lao động có thể phải nhiều lần thương lượng để thay đổi chính sách, điều này dễ gây phát sinh những bất đồng, ảnh hưởng không tốt tới quan hệ lao động trong DN. Hơn nữa, theo quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH, tăng lương vào đầu năm cũng là cách thu hút, giữ chân người lao động.
Đồng quan điểm với Bộ LĐ-TB-XH, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày VN, bày tỏ: “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH rằng, việc chuyển tăng LTT sang tháng 7 gây nhiều bất cập cho DN. Ngành da giày là ngành xuất khẩu nên phải tương thích với hệ thống chung của quốc tế, không phải thích là mình thay đổi. Kế hoạch sản xuất, tài chính bao giờ cũng phải xác lập từ đầu năm, chưa kể các hợp đồng ký kết, thang bảng lương đều phải thực hiện từ đầu năm. Thay đổi là một vấn đề tốn cả thời gian và nguồn lực, không thể lỡ cỡ từ giữa năm, nhiều khi gây rắc rối cho DN”.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10, cũng cho rằng việc chọn thời điểm tăng LTT cần được xem xét rất kỹ. “Nếu nói tăng lương đầu năm gây áp lực cho DN là chưa hoàn toàn đúng, bởi bản thân đã phải tính toán, chuẩn bị cho việc tăng lương từ nhiều tháng trước đó. Hơn nữa, tăng lương từ 1.1 nhưng phải đến tháng 2 mới phải trả tiền lương cho NLĐ nên không ảnh hưởng gì nhiều. Vì vậy, theo tôi, để như hiện tại là hợp lý”, ông Việt nêu quan điểm.
Thu Hằng