Vietstock - Đánh lộn và chơi chứng khoán có gì giống nhau?
Những nhà đầu tư lâu năm đôi khi sẽ cảm nhận việc chơi chứng khoán đang ngày càng trở nên quá phức tạp với rất nhiều biến số. Ở một góc nhìn nào đó thì việc này so với đánh lộn trên đường phố xem ra có khá nhiều điểm tương đồng.
Chơi chứng khoán quá phức tạp
Ai đánh chứng khoán lâu năm hẳn cũng nhận ra là việc kiếm tiền trên thị trường ngày càng khó. Khi xưa đọc sách thấy bảo chỉ cần phân tích báo cáo tài chính thấy doanh nghiệp tốt mua vào là ăn, nay ra thị trường mới biết kiếm tiền nào dễ như thế. Vài tay IS rảnh rỗi đi ôm bom liều chết, ông Donald Trump bên Mỹ đăng vài dòng tweet bất ngờ hay anh Kim Jong Un bên Bắc Hàn buồn buồn thử vài quả tên lửa sắp hết hạn sử dụng cũng có thể khiến thị trường lao đao.
Các biến số trong đánh nhau, ẩu đả trên đường cũng nhiều chả kém khi chơi chứng khoán nên phân tích kỹ một số tình huống bên này hoàn toàn có thể rút ra những bài học “xương máu” cho bên kia.
Cao thủ không có nghĩa là lúc nào cũng thắng
Đánh lộn là cuộc đời, chơi chứng khoán cũng là cuộc đời. Mà cuộc đời thì bản chất là vô thường, là khó lường. Võ công của anh có thể cao thật đấy nhưng ngộ nhỡ bị trượt … vỏ chuối hay bị ném cát vào mặt thì cũng bị ăn đòn như thường.
Đừng nhìn trên phim Tàu các cao thủ như Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh, Chung Tử Đơn, Hồng Kim Bảo, Thành Long… có thể đánh một lúc mấy chục người, quyền cước như mây, quần áo không vết xước mà tưởng thật. Trong phim thì oai phong thế chứ ngoài đời thì cũng sứt đầu mẻ trán đấy. Chẳng thế mà một ông Jack Ma suy dinh dưỡng vẫn có thể dùng “Nhân dân tệ thần quyền” thu phục gần chục cao thủ trên phim đó sao.
Chung Tử Đơn đánh các võ sỹ Nhật Bản. Nguồn: Sina Weibo
Chơi chứng khoán cũng thế. Nếu tính toán được hết thì mấy ông giáo sư, tiến sỹ tài chính chẳng phải thành tỷ phú hết cả rồi còn gì. Làm sao còn có chuyện có quỹ Long-Term Capital Management (LTCM) gồm hai ông đoạt giải Nobel Kinh tế cộng thêm hơn chục ông tiến sỹ toán học bên Mỹ đầu tư vài năm thì bung bét hết cả, mất gần sạch vốn! Nếu chỉ thuần túy dựa vào trí thông minh mà kiếm tiền thì ông Isaac Newton đã không lỗ chổng vó khi đầu tư chứng khoán. Thị trường chứng khoán đâu chỉ là cuộc chơi của những con số.
Các tin tức kiểu như ông Tổng giám đốc A bị lên cơn đau tim đột ngột, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị B đột xuất bị gọi đi ăn cơm tù, bà Kế toán trưởng C thụt két mấy trăm tỷ trốn ra nước ngoài không thông báo… nhiều như quân Nguyên. Danh mục 5-6 mã thì có 1-2 mã bị dính vào những scandal như vậy cũng là bình thường. Biết mình sai thì phải sửa sai, thấy không ổn thì phải cắt lỗ bỏ chạy. Đừng vì một chút sĩ diện mà bỏ mình!
Phải biết “thuận theo thời thế”
Nếu thấy đồng bọn bên mình ít mà bên đối thủ lại quá đông thì phải biết “thuận theo thời thế” mà bỏ chạy cho nhanh, “ẩn mình chờ thời” để sau này còn phản công. Anh nào muốn ở lại làm “anh hùng” thì có rất nhiều khả năng sẽ trở thành “thương binh”, thê thảm hơn có khi chuyển hẳn sang diện “liệt sỹ”. Thuyền trưởng Bluejam từng nói: “Kẻ sống sót trên chiến trường chỉ có kẻ mạnh và thằng hèn. Thực tế thì anh hùng luôn luôn chết”.
Nguồn: Daily Star
Chứng khoán cũng thế. Nếu thấy đà giảm quá mạnh thì chớ có dại mà mua bình quân giá xuống ngay. Ông Warren Buffett tiền nhiều thế lớn lại danh tiếng đầy mình nên khi ổng mua bình quân thì giá có thể ngừng giảm ngay. Còn mình nhiều khi tiền ít gạo đong, đặt lệnh một phát thì tiền hết sạch ngay thì có khi lại thành thảm họa. Ít nhất cũng phải chờ cho sóng gió qua đi, giá không còn giảm mạnh nữa thì mua vào.
Chú ý “nhân vật trung tâm”
Đa số các trận đánh nhau ngoài đường phố là loạn đấu, nói một cách bình dân là đánh nhau loạn xạ và hầu như chẳng có quy tắc gì. Tuy nhiên, vẫn có một yếu tố bất biến. Thường thì ban đầu sẽ là xích mích giữa hai nhân vật trung tâm (tạm gọi là đại ca), sau thì lan dần sang đám đàn em. Mặc dù số lượng tham gia đánh nhau có thể nhiều ít khác nhau và vũ khí sử dụng tùy loại (dao, sung, kiếm…) nhưng nhìn chung nếu tay đại ca (thường là hung hăng và giỏi võ nhất) của bên nào mà gục trước thì mấy tên đàn em (đa số là thành phần ăn hôi, theo đuôi hò hét, cổ vũ kích động…) bên phe kia sẽ tự động tan rã.
Trong chứng khoán cũng có “nhân vật trung tâm” giống như vậy. Khi nhóm Large Cap đang giảm mạnh thì chớ có dại mà mua vào dù rằng các mã mình mua chẳng liên quan gì về mặt cơ bản đến nhóm này.
Khi nhóm Large Cap giảm hay tăng mạnh thì đều ảnh hưởng cực lớn đến triển vọng thị trường chung. Qua đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư và xu hướng của cổ phiếu trong danh mục của mình nên đừng mong chờ sẽ có “câu chuyện riêng” hay “kỳ tích đi ngược thị trường” xuất hiện.
Thế Phong