Vietstock - “Đại gia” mang tiền đến nơi sắp thành đặc khu buôn đất: Sẽ đối mặt 3 rủi ro
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá đất tăng vọt, nhà đầu tư quay cuồng vào vòng xoáy sốt đất có thể sẽ gặp những rủi ro...
Trong 3 tháng đầu năm 2018, tại Phú Quốc đã có hơn 540 công trình xây dựng không phép, sai phép trên đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ.
|
Trước tình trạng sốt đất tại 3 nơi được kỳ vọng trở thành đặc khu (Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc) diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương đã cùng vào cuộc chỉ đạo nhằm kiểm soát tình hình.
Các chuyên gia bất động sản cũng liên tục lên tiếng để cảnh báo nhà đầu tư tránh đầu tư theo phong trào rồi ngậm "trái đắng".
Tại tọa đàm “Đất nền nóng sốt, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư” do Trí thức trẻ tổ chức chiều 19/4, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá đất tăng vọt, nhà đầu tư quay cuồng vào vòng xoáy sốt đất chắc chắn sẽ có những rủi ro.
Cụ thể 3 rủi ro mà nhà đầu tư sẽ phải đối mặt theo nhận định của ông Đính, đó là: Nhà đầu tư và các nhà đầu cơ chắc chắn sẽ bị mua cao hơn giá trị thực bởi hầu hết các khu này đều chưa có sự đầu tư của nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhiều.
“Giá trị đất đai thường đi theo giá trị đầu tư hạ tầng. Trong khi các khu Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong nhìn chung hạ tầng còn chưa đầy đủ và trong giai đoạn đầu. Vì vậy, giá trị đất đai chưa thể cao như các khu đã được hoàn thiện đầy đủ hạ tầng”, ông Đính nói.
Theo vị này, việc chưa có đầu tư đã phải mua đất giá cao, điều này cho thấy rủi ro về giá trị. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư luôn đẩy giá với hy vọng bán lại cho người khác. Điều này có thể có lợi trong giai đoạn đầu nhưng những người đến sau sẽ chịu nhiều rủi ro.
Thứ hai theo ông Đính, chính là nguy cơ rủi ro pháp lý. Việc mua bán đất ở các khu vực này hầu như đều chưa đúng quy định, dẫn tới rủi ro cho người mua nhà.
Thực tế, trước tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Phú Quốc, mới đây Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ bổ sung vào kế hoạch thanh tra.
Phó Thủ tướng đã lưu ý Thanh tra Chính phủ cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách.
Về rủi ro thứ ba các nhà đầu tư có thể phải đối mặt, ông Đính nói: Các khu vực này là phần lớn đất chưa được quy hoạch. Do đó, rủi ro đất của người mua nhà sẽ bị quy hoạch.
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, cơn sốt đất này cũng sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro về bong bóng tại khu vực này vì giá đẩy lên cao vượt giá trị thực.
“Nguy cơ xảy ra bong bóng tại các khu vực này rất cao. Ngoài ra, còn tạo ra khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý, quy hoạch. Bên cạnh đó, bất động sản tại các khu vực này sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài”, ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng, các nhà đầu tư “không nên đầu tư bừa bãi”. Thay vào đó nên đầu tư vào các dự án có quy hoạch, đầy đủ pháp lý. “Theo đánh giá của tôi, giá trị các khu đất này được định giá hợp lý vì có đầy đủ hạ tầng, phản ánh đúng giá trị”, ông Đính nói.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã có công văn gửi tới 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang liên quan tới việc kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, báo chí có phản ánh việc xuất hiện tình trạng sốt đất, thổi giá… tại khu vực Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), thậm chí có hiện tượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Do vậy, để quản lý, tránh những diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh này tổ chức triển khai thực hiện nhiều việc để nắm bắt, kiểm soát tình hình.
Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Đồng thời tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.
Trong khi đó, các chuyên gia bất động sản cho rằng, để tránh bong bóng, sốt ảo, cần kiểm soát được hiện tượng đầu cơ chộp giật, kích giá hay đưa ra các thông tin không chính xác để kiếm lời. Việc này nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm lũng đoạn thị trường, nhà đầu tư không chuyên, không nắm được thông tin dễ ngậm “trái đắng”.
Thực tế nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường bất động sản khu vực.
Nguyễn Khánh