Vietstock - 8 nhóm chính sách được lưu ý trong bổ sung Luật Chứng khoán
Ngày 25/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Theo đó, những vướng mắc, bất cập cùng những góp ý, đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã được đưa ra trong đó trọng tâm là 8 nhóm chính sách.
Bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006, sau 4 năm thực hiện Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006. Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số Bộ luật, Luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra… đã được ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi. Các Luật này có một số điểm liên quan đến việc thực thi Luật Chứng khoán như vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quy định về quản trị doanh nghiệp, thẩm quyền thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính... Chính vì vậy, việc ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2010 nhằm phát triển TTCK, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan. Việc sửa đổi Luật cũng liên quan đến vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu các DNNN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, đánh giá, phân tích kết quả đạt được trong thực hiện Luật Chứng khoán, những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật. Đồng thời, các đại biểu tham dự thảo luận và đưa ra góp ý, đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, trọng tâm là 8 nhóm chính sách: Hàng hóa trên TTCK; Thị trường giao dịch chứng khoán; Đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Quản trị công ty; Tổ chức kinh doanh chứng khoán; Công bố thông tin trên TTCK; Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Các kiến nghị, góp ý của các đại biểu tham dự tại hội thảo sẽ được UBCKNN tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật để bảo đảm dự án Luật được xây dựng có chất lượng, hiệu quả, khả thi.
Thái Hương