Vietstock - 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2025
Sáng ngày 02/01/2025, Lễ đánh công khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025 được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán trong năm mới.
Lễ đánh công khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025 tổ chức ngày 02/01/2025
|
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2024 là một năm khó khăn chung cho kinh tế thế giới và Việt Nam. Kinh tế phục hồi chậm, tỷ giá biến đổi khó lường. Kết quả, GDP Việt Nam 2024 dự kiến tăng khoảng 7%, đạt 470 tỷ USD. Chỉ số CPI cả năm khoảng 3.6%, thấp hơn mục tiêu cả năm là 4%. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt khoảng trên 780 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán chịu áp lực lớn từ vĩ mô và tình hình chứng khoán quốc tế. Thị trường tiếp tục là kênh dẫn vốn trung và dài hạn. Kết năm 2024, VN-Index tăng 12.11%. Vốn hóa đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 70% GDP 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
|
Năm 2025 là một năm với các dấu mốc quan trọng là năm cuối của giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, kỷ niệm 80 năm thành lập ngành tài chính, 25 năm thị trường chứng khoán tổ chức vận hành. Năm 2025 cần tăng tốc bứt phá và tận dụng tối đa nguồn lực kinh tế để phát triển đất nước. Ngành chứng khoán cần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là quốc tế, thu hút nguồn vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan để tập trung mọi nỗ lực phát triển thị trường, tập trung vào các nhiệm vụ như sau:
Một là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bao gồm nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung. Triển khai chiến lược phát triển tới năm 2030, trong đó, năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Hai là đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký thanh toán bù trừ vận hành liên tục, an toàn, thông suốt. Sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các sở giao dịch và tổng công ty lưu ký và bù trừ thanh toán Việt Nam.
Cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và nhà đầu tư.
Ba là sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loạt công ty niêm yết, đa dạng hóa phát triển các sản phẩm, chỉ số mới, nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, dịch vụ mới. Nghiên cứu thị trường tín chỉ carbon thứ cấp, phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bốn là nghiêm túc thanh tra xử lý nghiệm vi phạm trên các thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và nghĩa vụ công bố thông tin.
Năm là chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho nhà đầu tư cá nhân, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà đầu tư hạn chế tác động tâm lý do tin xấu trên thị trường. Thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Sáu là chủ động trong công tác tham gia hội nhập, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thị trường Việt Nam và các thị trường trong khu vực và thế giới.
Chí Kiên