Vietstock - 1,000 điểm, rồi sao?
Sau khi không thể giữ được mốc 1,000 điểm trong phiên đóng cửa vào hôm qua do áp lực chốt lời vào cuối phiên, chỉ số VN-Index hôm nay đã giữ vững thành công mức tăng cao đạt được trong phiên, khi đóng cửa tại 1,004.74 điểm, tăng 9.2 điểm, tương đương 0.92% và đây cũng là mức cao nhất trong ngày.
Có nên bi quan?
Như vậy, đây là lần đầu tiên chỉ số VN-Index có mức đóng cửa trở lại trên 1,000 điểm kể từ ngày 15/6, tức thị trường đã trải qua liên tiếp 67 phiên mà chỉ số VN-Index không thể bứt phá được mốc kháng cự tâm lý trên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau khi chinh phục được mốc trên, thị trường sẽ ra sao?
Với những người bi quan, ắt hẳn không ít lo ngại áp lực chốt lời sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi đợt phục hồi vừa qua cũng ghi dấu ấn khá mạnh. Kể từ mức thấp nhất quanh 884 mà thị trường chạm đến vào ngày 12/7, thì trong hơn 2 tháng qua thị trường đã tăng trở lại 13.5%, trong đó không ít cổ phiếu đã bật mạnh từ 30 – 50%.
Rõ ràng trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế yếu kém và dòng vốn vẫn bị rút ròng ra khỏi các thị trường chứng khoán nói chung và các thị trường mới nổi nói riêng, thì giới đầu tư có cơ sở để lo ngại đà tăng sẽ khó duy trì bền vững.
Cũng cần nhớ rằng trong đợt phục hồi lên mốc 1,000 điểm lần trước diễn ra vào tháng 6, thị trường chỉ mất một thời gian rất ngắn và sau đó nhanh chóng điều chỉnh mạnh trở lại, do đó cũng khiến nhiều người e ngại tại mốc 1,000 điểm lần này.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường
Tuy nhiên, đợt phục hồi lần này lại cho thấy những tín hiệu tích cực đi kèm theo. Thứ nhất là về mặt thời gian, thị trường đã có một giai đoạn gần 3 tháng để củng cố và tích lũy, trước khi có đợt tăng nhanh gần đây. Thông thường thời gian tích lũy càng lâu thì sự đi lên càng có tính bền vững.
Thứ hai là về thanh khoản, nếu như đợt phục hồi nhanh vào tháng 6 thanh khoản vẫn lèo tèo thì những phiên tăng điểm gần đây lại chứng kiến thanh khoản ngày càng cải thiện. Về góc độ kỹ thuật, khi giá đi cùng với lượng tăng lên là dấu hiệu tích cực cho xu hướng tăng.
Thứ ba là về mặt tâm lý hiện nay đã hứng khởi hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, không chỉ thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng lên như đã nói, mà lực mua trên thị trường cũng cho thấy sự tự tin và quyết đoán hơn. Với việc hàng loạt phân tích gần đây cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có thể hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, thì dường như giới đầu tư đang tin rằng Việt Nam không chỉ “miễn nhiễm” trước căng thẳng thương mại leo thang mà còn có thể tận dụng tốt cơ hội có một không hai này để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều nhóm ngành khác ăn theo.
Trong khi những thị trường khác đang phải đối mặt với dòng vốn rút ròng thì Việt Nam trong 8 tháng qua vẫn ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp rót vào ròng với sự tăng trưởng đáng kể. Do đó, không ít người lạc quan về việc dòng vốn trong khi rút ra khỏi những nền kinh tế đang chứa đựng nhiều rủi ro hoặc trong tầm ngắm chiến tranh thương mại thì sẽ tìm đến những thị trường vẫn duy trì sự ổn định và tích cực như Việt Nam. |
Thứ tư là về động thái của khối ngoại cũng đã hỗ trợ tâm lý cho thị trường, khi khối này gần đây có những phiên quay lại mua ròng với giá trị khá lớn. Tính từ đầu tháng 9 đến phiên hôm nay (20/9), khối ngoại đã mua ròng tổng cộng hơn 796 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó tập trung tại sàn HOSE là khoảng 767 tỷ đồng. Đáng lưu ý là nhà đầu tư nước ngoài đã có đến 7 phiên mua ròng trong số 10 phiên gần đây bắt đầu từ ngày 07/9. Những mã được mua ròng mạnh nhất có VNM, HDB hay VCB và nhiều mã có vốn hóa lớn khác.
Và nội tại ổn định
Thứ năm là những yếu tố gây rủi ro cho nền kinh tế như lạm phát và tỷ giá sau giai đoạn nổi sóng trong 2 tháng trước đã dần hạ nhiệt và ỏn định trở lại. Lạm phát dù chịu nhiều áp lực nhưng vẫn có khả năng đạt mục tiêu kiểm soát ở 4%, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do những ngày qua đã giảm rất nhanh so với giai đoạn trước, từ đó cũng giảm áp lực lên thị trường chính thức cũng như chính sách điều hành của NHNN. Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm trong những tuần gần đây cũng cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại, và từ đó cũng có thể giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Thứ sáu là với hàng loạt dự báo tích cực về nền kinh tế Việt Nam, không chỉ đến từ các tổ chức trong nước mà còn từ những định chế lớn quốc tế, thì nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài có niềm tin trở lại, tâm lý được cải thiện đáng kể hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Và nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam lại trở thành điểm sáng trong tình hình rủi ro kinh tế thế giới ngày càng gia tăng với khủng hoảng tại một số quốc gia gần đây, nhất là khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay tiếp tục duy trì ở mức cao và nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt mục tiêu đề ra.
Chính vì vậy, trong khi những thị trường khác đang phải đối mặt với dòng vốn rút ròng thì Việt Nam trong 8 tháng qua vẫn ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp rót vào ròng với sự tăng trưởng đáng kể. Do đó, không ít người lạc quan về việc dòng vốn trong khi rút ra khỏi những nền kinh tế đang chứa đựng nhiều rủi ro hoặc trong tầm ngắm chiến tranh thương mại thì sẽ tìm đến những thị trường vẫn duy trì sự ổn định và tích cực như Việt Nam.
Với việc chinh phục thành công mốc 1,000 điểm thì thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ tâm lý hứng khởi và thu hút dòng tiền quay trở lại, nhưng cũng không loại trừ chỉ số có thể cần thêm thời gian để củng cố quanh vùng giá tâm lý này.
Tuy nhiên, với lịch sử những tháng cuối năm cũng cho thấy thị trường chứng khoán thường có sự tăng trưởng tốt kéo dài cho đến quý 1 năm sau, khi đây cũng trùng với thời điểm mùa công bố kết quả kinh doanh năm hé lộ dần, thì thị trường ít nhiều sẽ nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, nhất là khi hầu hết các dự báo cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng ổn định, nhờ môi trường kinh doanh cải thiện, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định ở mức phù hợp và niềm tin tiêu dùng ở mức cao, do đó xu hướng đi lên trước mắt vẫn đang được kỳ vọng rất nhiều.
Phan Thụy