Vietstock - S&P 500 tăng 5 phiên liền nhờ hy vọng về một thỏa thuận thương mại
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào ngày thứ Tư (03/04), khi nhà đầu tư hân hoan với thỏa thuận thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù dữ liệu việc làm và kinh tế dịch vụ ảm đạm đã kìm hãm tâm lý lạc quan, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones nhích 39 điểm lên 26,218.13 điểm khi cổ phiếu Intel và Home Depot có thành quả vượt trội. Chỉ số S&P 500 tiến 0.2% lên 2,873.40 điểm, đánh dấu 5 phiên leo dốc liên tiếp, khi lĩnh vực nguyên vật liệu và công nghệ dẫn đầu đà tăng. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.6% lên 7,895.55 điểm.
Các nhà sản xuất con chip – vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan hệ thương mại Mỹ - Trung – đã dẫn đầu đà tăng của lĩnh vực công nghệ. Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF tăng 2.3%, dẫn đầu là đà leo dốc 8.5% của cổ phiếu Advanced Micro Devices (AMD).
“Ở một mức độ nhất định, một thỏa thuận thương mại đã vừa được định giá”, Peter Cardillo, Chuyên gia kinh tế thị trường hàng đầu tại Spartan Capital Securities, nhận định. Tuy nhiên, “thỏa thuận thương mại là một chiến thắng đối với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Điều đó sẽ giúp đánh tan đám mây bao phủ nền kinh tế toàn cầu bấy lâu”.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc được cho là đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại, giải quyết hầu hết các vấn đề còn tồn tại trong xung đột thương mại kéo dài giữa 2 bên. Cả 2 nước đã áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau kể từ năm ngoái.
Financial Times đưa tin Bắc Kinh muốn Washington dỡ bỏ các hàng rào thuế quan hiện có của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Chính quyền ông Trump muốn Trung Quốc đồng ý thực thi các biện pháp nhằm đảm bảo nước này tuân thủ thỏa thuận.
Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, dự kiến có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, vào cuối ngày thứ Tư để tiếp tục cuộc đàm phán.
Chứng khoán châu Âu nhảy vọt khi chỉ số Stoxx 600 tăng 1%. Ở châu Á, chỉ số Shanghai Composite vọt 1.2% còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng khoảng 1%.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế ảm đạm hơn dự báo đã kìm hãm đà tăng của chứng khoán.
Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết tăng trưởng dịch vụ đã giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 3 và tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn 12 tháng. Chỉ số phi sản xuất của ISM giảm xuống 56.1 trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017.
Dữ liệu từ ADP và Moody’s Analytics cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ tạo ra 129,000 việc làm trong tháng 3, thấp hơn rất nhiều so với dự báo tăng 173,000 việc làm. Báo cáo từ ADP và Moody’s Analytics thường được xem là một bản tham khảo trước cho báo cáo việc làm định kỳ hàng tháng của Chính phủ Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu (05/04).
An Trần