Vietstock - Điều gì khiến CEO của JPMorgan lo ngại về kinh tế Mỹ?
Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JPMorgan, tỏ ra lạc quan về nền kinh tế Mỹ - vốn đang ở trong giai đoạn sau của một trong những chuỗi tăng trưởng dài nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, khi được hỏi về rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong ngày thứ Hai (30/07), ông Dimon có hai câu trả lời. Đầu tiên, nếu xung đột thương mại Mỹ với Trung Quốc chuyển thành cuộc chiến thương mại toàn diện thì sẽ xóa bỏ phần lớn những tiến triển mà chính quyền Donald Trump đã đạt được, ông cho hay.
Thứ hai là nỗ lực bình thường hóa chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới cách một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Với các gói nới lỏng định lượng (QE), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã mua vào hàng ngàn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán khác để vực dậy nền kinh tế khỏi tình trạng khủng hoảng. Giờ thì họ đang bắt đầu đảo ngược quá trình này. Ông Dimon nói với CNBC rằng ông đang lo ngại về những gì sẽ diễn ra khi các NHTW rút lại sự hỗ trợ của họ.
“Tôi không muốn công chúng hoảng sợ, nhưng chúng ta chưa từng có QE”, ông Dimon cho hay. “Chúng ta chưa từng có sự đảo ngược và các quy định giờ cũng đã khác. Sự truyền dẫn tiền tệ nay đã khác. Các Chính phủ đã vay quá nhiều nợ và mọi người có thể hoảng loạn khi mọi thứ dần thay đổi”,
Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JPMorgan
|
Ông Dimon (62 tuổi) trước đó đã cảnh báo về khả năng Fed nâng lãi suất nhanh hơn dự báo, qua đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Câu chuyện lặp lại như sau: Các nhà hoạch định chính sách bước vào phạm vi chưa từng xảy ra trước đó. Gia tăng thêm rủi ro là việc chính quyền Donald Trump đang cân nhắc áp thêm hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Hôm thứ Hai (30/07), Jamie Dimon cho biết, ông và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác phản đối với chiến thuật này, nhưng rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump không đồng tình với ông.
Dimon là người nắm giữ vị trí CEO lâu năm nhất của một ngân hàng lớn của Mỹ. Khi bạn của ông, Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, rời khỏi ghế CEO vào tháng 10/2018, ông cũng sẽ là CEO ngân hàng duy nhất từng lèo lái công ty qua khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Với những thành tựu của ông Dimon, nhà đầu tư và các chuyên viên phân tích thường theo dõi những nhận định của ông, từ những lần xuất hiện trên báo chí cho tới các hội nghị và lá thư thường niên gửi tới nhà đầu tư của Jamie Dimon.
Hôm thứ Hai (30/07), ông Dimon cho biết, ông và hội đồng quản trị JPMorgan tin rằng, có một vài vị Giám đốc có thể thừa kế vị trí CEO của ông trong vòng 5 năm tới.
Bên cạnh xung đột thương mại và việc tháo gỡ gói QE, ông Dimon liên tục tỏ ra lạc quan về đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và các triển vọng của ngân hàng. Trong suốt cuộc gọi với các chuyên viên phân tích trong tháng này sau khi ghi nhận mức lợi nhuận quý 2/2018 cao kỷ lục với 8.32 tỷ USD, ông cho biết không có quá nhiều yếu tố có thể phá hủy đà tăng trưởng – vốn đang ngày càng nhanh hơn.
“Cuối cùng, mọi người đang trở lại lực lượng lao động”, ông Dimon cho hay. “Bảng cân đối tiêu dùng đang trong trạng thái tốt. Chi tiêu vốn ngày càng tăng. Số hộ gia đình ngày càng tăng. Việc xây dựng nhà ở đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Hệ thống ngân hàng đang ở tình trạng rất, rất tốt so với trong quá khứ”.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4.1% trong quý 2/2018, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014, qua đó giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm tự tin vào các chính sách của mình, mặc dù đà tăng trưởng được dự báo sẽ dịu bớt.
Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ mức 4.9% trong quý 3/2014, đồng thời là mức tăng trưởng mạnh thứ 3 kể từ cuộc Đại Suy thoái. Bên cạnh thành quả cao của quý 2, Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh mức tăng trưởng của quý 1/2018 từ 2% lên 2.2%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)