Vietstock - Tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 sẽ đạt mục tiêu Chính phủ đề ra
Tại buổi Hội thảo "Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018" diễn ra ngày 13/07/2018, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Chính sách Công và quản lý Fulbright Việt Nam nhận định, với tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, cho dù các quý sau có tăng trưởng chậm lại, cả năm 2018 cũng sẽ đạt được con số mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 6.7 - 6.8%.
Tăng trưởng GDP quý 1/2018 Việt Nam so với một số nước Châu Á (%/năm)
|
Cách đây 3 tháng, Tổng Cục Thống kê đã công bố tăng trưởng GDP trong quý 1 là 7.38%. Như vậy, trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Châu Á, Việt Nam chỉ thua Ấn Độ tăng trưởng 7.7%, trong khi đó, một số nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc tăng trưởng chỉ từ 6.8 - 6.9%.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, với tốc độ tăng trưởng này, cả năm 2018 sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra tăng trưởng GDP 6.7 - 6.8% trong năm 2018, cho dù các quý sau có tăng trưởng chậm lại.
Gần đây, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng thương mại đều đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2018 của Việt Nam nằm trong khoảng 6.8 - 7.1%. Tăng trưởng trong quý 2 có sự suy giảm đáng kể so với quý 1, do xuất phát điểm của quý 1 tăng trưởng rất cao.
Tăng trưởng được hỗ trợ bởi công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ
|
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7%, nhìn vào phía sản xuất, không khác câu chuyện của nửa cuối năm 2017 và quý 1/2018, cải thiện tăng trưởng GDP là nhờ sự tăng tốc của hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo 2.32% và khu vực dịch vụ 2.63%, nông nghiệp cũng có cải thiện nhưng nông nghiệp chỉ đóng góp 0.62%.
Nhìn vào tăng trưởng của từng ngành cấp 2 trong khu vực chế biến chế tạo, đóng góp lớn của ngành chính là thép và điện thoại di động, chủ yếu nhờ thép Fomosa và điện thoại di động Samsung. Điều này lý giải tại sao tăng trưởng kinh tế quý 2 giảm nhiều hơn so với quý 1. Đó là dây chuyền công nghệ hiện nay và việc lắp ráp điện thoại di động Samsung tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2017 và quý 1/2018 nhưng tăng trưởng chậm trong quý 2/2018, kéo theo tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại.
Tăng trưởng khu vực dịch vụ có sự cải thiện, trong đó hoạt động thương mại, bán buôn bán lẻ là ngành có tỷ trọng lớn nhất. Sự đóng góp mạnh của tổng cầu đến từ tăng trưởng tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tiêu dùng dân cư tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, đầu tư tăng trưởng khoảng 7.5%, đầu tư của khu vực Nhà nước không thay đổi, đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh 14% nên đã bù đắp sự thiếu hụt của đầu tư khu vực Nhà nước.
Theo báo cáo của IMF, ước lượng tăng trưởng tiềm năng của Việt nam là 6.5%. Như vậy, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 là 6.8% đã vượt tiềm năng 0.3%. Nếu như năm nay tăng trưởng là 7.1%, như vậy sẽ vượt tiềm năng tăng trưởng 0.5%.
Trong ngắn hạn, nếu tăng trưởng vượt tiềm năng nghĩa là tăng trưởng đang quá nóng có thể gây bất ổn vĩ mô, hoặc tín dụng tăng trưởng nóng, tài khóa quá nới lỏng. Thực chất chính sách tài khóa hiện nay đang ở mức trung gian. IMF đánh giá tiền tệ có nới lỏng, định hướng trong cuối năm nay phải thắt chặt lại.
Cán cân tổng thể (Triệu USD)
|
Theo số liệu từ NHNN, thặng dư cán cân thương mại đến từ thặng dư của các doanh nghiệp FDI. Cán cân dịch vụ thâm hụt, trong đó dịch vụ du lịch thặng dư, còn vận tải quốc tế, bảo hiểm, hành chính âm. Kiều hối 6 tháng đầu năm chảy vào Việt Nam 4.8 tỷ USD. Tổng cộng lại cán cân vãng lai thặng dư 8.2 tỷ USD.
Cán cân vốn và tài chính thặng dư 8.7 tỷ USD. Trong đó đóng góp lớn nhất vẫn là giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6.7 tỷ USD.
Dự trữ ngoại tệ tính đến cuối năm 2017 là 51.5 tỷ USD và đến cuối tháng 6 năm 2018 là 63 tỷ USD.
Tỷ giá từ đầu năm đến nay biến động không nhiều, NHNN mới chỉ điều chỉnh 1.5%.
Tỷ giá
|
Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế vượt tiềm năng như thời gian qua là do phía nước ngoài chứ không phải các doanh nghiệp trong nước. Xét về khía cạnh cân đối vĩ mô, các yếu tố về tăng trưởng tín dụng, lạm phát, thâm hụt cán cân vãng lai hiện tại đã tốt hơn. Rủi ro hiện nay thực chất là câu chuyện về chiến tranh thương mại.
Hàn Đông