Kỳ 1
Vietstock - Triển vọng ngành khí thiên nhiên Việt Nam
Với sự hồi phục của giá dầu và nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên ngày càng gia tăng, triển vọng của ngành khí thiên nhiên Việt Nam được đánh giá rất khả quan trong bối cảnh tiềm năng trong khu vực vẫn chưa được khai thác hợp lý.
Khí thiên nhiên là một sản phẩm năng lượng được sử dụng rộng rãi như nguồn nhiên liệu khí đầu vào cho các ngành sản xuất năng lượng. Nhìn chung, khí thiên nhiên được chiết xuất từ dầu mỏ bên cạnh việc khai thác từ các mỏ khí tự nhiên. Do đó giá khí thiên nhiên chịu ảnh hưởng và có tương quan cao đối với giá dầu.
Trong ba loại khí thiên nhiên được sử dụng phổ biến nhất là khí LPG, khí CNG và khí LNG, khí LNG có tương quan đáng kể đối với giá dầu. Nguyên nhân là do khí LNG chủ yếu sử dụng trong thương mại quốc tế nên chịu ảnh hưởng cao từ chi phí vận chuyển.
Sự tương quan giữ giá khí thiên nhiên và giá dầu hiện tại đã có sự phân hóa theo khu vực. Thị trường khí thiên nhiên tại từng khu vực sẽ khác nhau về nhu cầu, nguồn cung hiện hữu cũng như quyền kiểm soát từ Chính phủ. Do đó xu hướng tách dần sự tác động của giá dầu đối với giá khí ngày càng mạnh giữa các hợp đồng mua bán khí tại một số khu vực nguồn cung trọng điểm của thị trường dầu khí như Châu Mỹ, Trung Đông.
Dầu khí hồi sinh, ngành khí thiên nhiên Việt Nam sẽ hưởng lợi?
Ngành khí thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 2.5%. Theo dự báo, nhu cầu khí thiên nhiên thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 2.1%/năm ở giai đoạn 2016-2020.
Riêng tại thị trường Việt Nam, triển vọng của ngành khí thiên nhiên sẽ sáng sủa hơn nhờ vào:
(1) Sự tương quan cao giữa giá khí thiên nhiên khu vực Châu Á Thái Bình Dương và giá dầu thế giới. Giá khí thiên nhiên và giá dầu có tương quan cao nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương khi cơ chế yết giá khí thương mại trong khu vực phụ thuộc nhiều từ biến động giá dầu. Minh chứng tiêu biểu là giá bán khí thiên nhiên trong khu vực đã có sự tăng trưởng kể từ đầu năm 2018 trước xu hướng tăng trưởng ổn định của giá dầu thế giới. Do đó, trước triển vọng của thị trường dầu khí, các doanh nghiệp bán buôn khí tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đón nhận động lực tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.
(2) Sự ưu tiên chuyển đổi sang nguồn nhiên liệu khí. Sự chuyển đổi sang từ nguồn nhiên liệu than đá sang nguồn nhiên liệu khí có mức độ ô nhiễm thấp đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Sự phát triển nhà máy điện tiêu thụ khí, xu hướng công nghiệp hóa mạnh mẽ sẽ tạo động lực gia tăng nhu cầu tiêu thụ khí.
Theo tính toán từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ LPG của Việt Nam từ nay cho tới năm 2020 sẽ đạt trung bình khoảng 6%/năm. Đến năm 2020, mức tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam dự kiến đạt 30kg/người/năm, ngang bằng mức bình quân hiện nay trong khu vực ASEAN.
Nguồn: MOIT, BMI
(3) Triển vọng duy trì sự ổn định của thị trường dầu khí toàn cầu. Sau thời gian tăng giá mạnh lên trên 85 USD/thùng vào đầu tháng 10/2018, giá dầu Brent trên thị trường thế giới đã điều chỉnh về khoảng 75 USD/thùng. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu từ OPEC và xung đột thương mại của Mỹ và Iran sẽ là hai nhân tố ổn định nguồn cung dầu khí và duy trì giá dầu ở mức hợp lý như hiện tại.
Biểu đồ giá dầu 1 năm trở lại
Nguồn: TradingView
Hoàng Nguyên