Vietstock - Ông Trịnh Hoài Giang: “Từ đây đến cuối năm thị trường có thể về 800 điểm”
“Dù nhiều người nói đến năm 2020 thị trường mới chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, nhưng khả năng từ đây đến giữa năm sau sẽ có một “big correction” - thị trường sẽ rớt hơn nữa, do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc và Mỹ. Còn từ đây đến cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bình bình và về khoảng 800 điểm”.
Đó là nhận định của ông Trịnh Hoài Giang – Phó Tổng giám đốc Chứng khoán TPHCM (HCM) về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới.
Ông Trịnh Hoài Giang: “Có thể tôi sai, nhưng nhìn chung cảm nhận của tôi về thị trường khá yếu". |
Ngày 11/10 vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến một trong những phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số VN-Index từ đầu năm cho đến nay khi rớt tới 48 điểm, tương đương 4.84%, về mức 938.8 điểm. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới.
Vậy xu hướng tiếp theo sẽ như thế nào khi mà các thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tốt, rồi sự lạc quan trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp…?
Theo ý kiến của cá nhân ông Trịnh Hoài Giang, thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ có rủi ro xuống nhiều hơn lên bởi chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế thế giới. Nhất là nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy hiệu ứng từ chiến tranh thương mại, dù mới xảy ra cách đây mấy tháng nhưng GDP giảm, thị trường bất động sản bắt đầu có vấn đề… Còn thị trường Mỹ, lãi suất vẫn tiếp tục tăng, đây là rủi ro lớn nhất.
“Dù nhiều người nói đến năm 2020 thị trường mới chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, nhưng khả năng từ đây đến giữa năm sau sẽ có một “big correction” - thị trường sẽ rớt hơn nữa, do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc và Mỹ. Còn từ đây đến cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bình bình và về khoảng 800 điểm” – ông Giang nhận định.
Mặc dù các chỉ số của nền kinh tế Việt Nam khá vững chắc như tỷ giá và các ngành công nghiệp ổn định nhưng rủi ro lớn lại từ nước ngoài. Ông phân tích, nếu như kinh tế Trung Quốc có vấn đề thì thị trường bất động sản Việt Nam và những ngành đi theo như vật liệu xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là khi ngân hàng siết vốn vào bất động sản, hay phân khúc cao cấp cũng sẽ bị đóng băng vì người Trung Quốc vào mua nhiều.
Những tín hiệu đầu tiên về chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng đến Trung Quốc . Ở phía lạc quan, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng Việt Nam cũng có những cơ hội hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ở góc độ tăng xuất khẩu sang Mỹ nhưng sự thay đổi này cần có thời gian mới phản ánh được. Còn trước mắt nhu cầu về xuất khẩu nội địa của Việt Nam qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Cầu thế giới không chỉ riêng Trung Quốc, do đó giá dầu và kim loại sẽ giảm…
“Có thể tôi sai, nhưng nhìn chung cảm nhận của tôi về thị trường khá yếu. Ví dụ, đây là mùa “earning season” (mùa kiếm tiền) bên Mỹ, có những công ty lợi nhuận vượt quá mong đợi của thị trường nhưng cổ phiếu vẫn xuống vì người ta coi đây là cơ hội để bán bởi từ đây không có gì để kích thích doanh nghiệp nữa. Trong khi quý 4 lãi suất Mỹ tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp” – ông Giang cho biết.
Với tình hình này, mặc dù thời gian qua các công ty chứng khoán quản lý ký quỹ khá tốt, tuy nhiên sẽ gặp khó khăn khi tình hình giao dịch giảm xuống thấp. Còn những công ty sống nhờ độ biến động lớn của thị trường hơn là xu hướng thị trường thì sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn.
Thanh Nụ