Vietstock - Lại đến thời đẩy mạnh M&A ngân hàng
Tại Diễn đàn M&A 2018 chiều ngày 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ bán và chuyển giao các ngân hàng đã mua lại hoặc kiểm soát đặc biệt, như Oceanbank, VNCB, GPBank. Có vẻ như sắp sửa đến giai đoạn hoạt động M&A ngân hàng sẽ được đẩy mạnh trở lại.
Định hướng thu hẹp và nhiều nhà đầu tư dòm ngó
Hiện tại, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn đang có 4 NHTM Nhà nước, 31 NHTM cổ phần, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Theo định hướng trước đây của NHNN thì đến năm 2020 sẽ thu hẹp số lượng các ngân hàng xuống chỉ còn 15 – 17 NHTM cổ phần với năng lực tài chính đủ mạnh, có thể cạnh tranh với ngân hàng các nước trong khu vực, do đó khả năng sẽ có thêm các thương vụ hợp nhất và sáp nhập trong thời gian tới là tất yếu.
Trong năm nay đã chứng kiến thương vụ sáp nhập PGBank và HDBank và theo như lời chia sẻ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì sắp tới các ngân hàng đã bị mua 0 đồng trước đây như Oceanbank, VNCB và GPBank sẽ là những ngân hàng được ưu tiên chuyển giao sáp nhập, mà đối tượng nhắm đến sẽ là các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Chính phủ sắp tới sẽ rất hạn chế, không cấp thêm giấy phép hoạt động cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua đến 100% vốn ngân hàng yếu kém trong nước và thông tin cho biết thêm là hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Trước đó trong năm 2017 cũng đã có những chia sẻ cho thấy đã có nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn 2 trong việc soát xét đánh giá lại toàn diện Ocean Bank, trong khi 2 ngân hàng còn lại là GPBank và và VNCB cũng đã có những nhà đầu tư trong và ngoài nước bước đầu đặt vấn đề tham gia tái cơ cấu, mua lại những ngân hàng này.
Được biết ngân hàng Xây dựng (VNCB và sau được đổi tên thành CBBank) là ngân hàng đầu tiên được NHNN mua lại 0 đồng vào ngày 02/2/2015, tiếp đến là ngân hàng Đại Dương vào ngày 24/5/2015 và cuối cùng là ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) vào ngày 07/7/2015. Như vậy, sau 3 năm bị mua lại và tiến hành tái cấu trúc, có vẻ như đã đến lúc NHNN muốn chuyển giao cho các đối tác quan tâm.
Thời điểm thích hợp
Về cơ bản, NHNN có chức năng chính là điều hành, quản lý chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng, chứ không có chức năng kinh doanh, nên việc đang phải chia sẻ nguồn lực để điều hành 3 ngân hàng bị mua 0 đồng dường như là không phù hợp, nhất là khi điều này cũng khiến NHNN bị rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Trong khi đó, sau 3 năm tái cấu trúc hoạt động, thì hoạt động kinh doanh của nhóm 3 ngân hàng này dường như đã trở lại bình thường và duy trì sự ổn định. Thời gian qua cũng là giai đoạn mà NHNN đã sắp xếp bộ máy, tu sửa, chỉnh đốn hoạt động và khắc phục những yếu kém, tồn tại của 3 ngân hàng mua 0 đồng, do đó cũng phải đến lúc tìm nhà đầu tư chuyển giao với mức giá phù hợp, từ đó giúp hoạt động kinh doanh được đẩy mạnh hơn, lộ trình phục hồi và tăng trưởng sẽ đạt tốc độ nhanh hơn nhờ các giải pháp hỗ trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý của những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực.
Đặc biệt với việc những sai phạm của 3 ngân hàng trên đã được đưa ra xét xử rõ ràng, những yếu kém đã được chỉ rõ, các thiệt hại được phần nào khắc phục bằng cách thu hồi dòng tiền của các cá nhân gây ra sai phạm, thì những nhà đầu tư muốn rót vốn vào sẽ yên tâm hơn vì mọi việc đã được minh bạch và xét xử công khai, theo đó những vấn đề rủi ro pháp lý mà có thể gây xáo trộn hoạt động của ngân hàng cũng không còn.
Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngành ngân hàng sẽ được khởi đầu với vai trò của Chính phủ, thông qua hàng loạt giải pháp cải tổ ngân hàng như xây dựng các quy định mới tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, tiến hành các biện pháp xử lý nợ xấu, tài sản không sinh lời, tái cấu trúc hoạt động để khắc phục những yếu kém rồi sau đó mới mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Và diễn biến tại Việt Nam thời gian qua cho thấy đang diễn ra đúng như vậy.
Ngoài ra, để tái cơ cấu thành công một ngân hàng bao giờ cũng đòi hỏi phải có "tiền tươi, thóc thật" thì mới có thể xây dựng được lộ trình cụ thể xử lý dứt điểm sớm những yếu kém. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế cũng như tránh nguy cơ sở hữu chéo, thì dòng vốn của giới đầu tư ngoại là rất cần thiết cho công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng, nhất là khi ngành ngân hàng rồi cũng phải mở cửa theo lộ trình hội nhập.
Lợi ích khi nhận chuyển giao
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc xin giấy phép luôn mất thời gian với nhiều thủ tục, nhất là khi NHNN gần đây đang muốn thu hẹp số lượng ngân hàng và cũng đã nói rõ hạn chế cấp thêm giấy phép hoạt động cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài, thì phương án mua lại các ngân hàng đang hoạt động trong nước, đặc biệt là những ngân hàng NHNN muốn chuyển giao là có thể cân nhắc.
Bởi vì các ngân hàng trên dù gì cũng đã có sẵn mạng lưới hoạt động tương đối, cũng như tận dụng được nguồn nhân lực, hệ thống và cơ sở khách hàng có sẵn, thay vì nếu thành lập một ngân hàng hoàn toàn mới, công tác phát triển mạng lưới phải bắt đầu từ đầu, tốn nhiều thời gian mà chưa chắc đảm bảo được hiệu quả. Trong khi đó, việc rót vốn vào một ngân hàng đã có sẵn không những giúp tiết giảm chi phí về thời gian mà còn là những chi phí khác về xây dựng thương hiệu, cơ sở khách hàng hay thiết lập mạng lưới như đã nói.
Tuy nhiên, không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài, mà các nhà đầu tư trong nước là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc thậm chí là ngân hàng cũng có thể quan tâm khi mà NHNN thời gian qua cũng liên tiếp ban hành các cơ sở pháp lý với những giải pháp hỗ trợ từ tài chính đến hoạt động cho các ngân hàng yếu kém hoặc các nhà đầu tư nhận tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, cụ thể nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã được Quốc Hội thông qua hôm 20/11/2017 và đã có hiệu lực từ 15/01/2018.
Đặc biệt với việc những sai phạm của 3 ngân hàng trên đã được đưa ra xét xử rõ ràng, những yếu kém đã được chỉ rõ, các thiệt hại được phần nào khắc phục bằng cách thu hồi dòng tiền của các cá nhân gây ra sai phạm, thì những nhà đầu tư muốn rót vốn vào sẽ yên tâm hơn vì mọi việc đã được minh bạch và xét xử công khai, theo đó những vấn đề rủi ro pháp lý mà có thể gây xáo trộn hoạt động của ngân hàng cũng không còn. |
Nhung Võ