Vietstock - Metro thay thiết kế tường vây, ông Lê Nguyễn Minh Quang nói gì?
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, khẳng định việc việc thay đổi tường vây metro không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đồng thời tiết kiệm được 93 tỉ đồng.
*Metro Bến Thành - Suối Tiên 'dính' nhiều sai phạm, phải xử lý tài chính gần 2.900 tỉ
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Không ảnh hưởng đến chất lượng công trình
Kết quả kiểm toán nhà nước về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 vừa được công bố cũng nêu việc thay đổi độ dày của tường vây đã mang lại một số hiệu quả nhất định cho dự án.
Cụ thể, khi tường vây giảm từ 2m thành 1,5m, số tiền tiết kiệm được là 93 tỉ đồng và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quang cho biết toàn bộ tường vây đoạn ngầm của tuyến metro số 1 có độ dày 1,5m. Riêng đoạn của gói thầu CP1a dài 170m (từ đoạn đường Pastuer đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa) có độ dày 2m vì gần các công trình xây dựng lớn như nhà hát TP, khách sạn Rex…
"Tuy nhiên quá trình rà soát, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị nhận thấy độ dày tường vây này không cần thiết phải dày như vậy nên đã đề xuất tư vấn tính toán lại", ông Quang cho hay.
Vẫn theo ông Quang, kết quả tính toán lại của tư vấn thì độ dày của đoạn tường vây trên giảm còn 1,5m, số lượng thanh thép chống đỡ tường vây cũng giảm đi nhưng chiều cao của các thanh thép cũng như mác thép cũng được tăng lên nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của toàn bộ tường vây.
Việc thay đổi thiết kế này được ban đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra gồm: Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Sao Việt và một vị thuộc Bộ Giao thông vận tải là Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải Hà Nội (Tedi Hà Nội) thẩm tra và có ý kiến thống nhất kết quả điều chỉnh trên.
Sai trình tự thủ tục?
Kết quả kiểm toán nhà nước cho rằng việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2m xuống 1,5m là chưa phù hợp về mặt trình tự thủ tục. Việc thay đổi thiết kế có thể giảm chi phí và rút ngắn thời gian thi công nhưng sẽ dẫn đến việc chuyển vị đất nền chưa phù hợp với khuyến nghị chung của tổ chức JICA (Nhật Bản).
Kết quả kiểm toán cho rằng các bên liên quan cần có biện pháp theo dõi và xử lý thích hợp đảm bảo an toàn cho dự án và các công trình lân cận.
Về vấn đề này, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết theo nguyên tắc, tất cả thẩm định thay đổi thiết kế của dự án tuyến metro số 1 phải trình cho Sở Giao thộng vận tải TP phê duyệt.
Tuy nhiên năm 2015, UBND TP có ủy quyền cho Ban quản lý đường sắt đô thị được quyền tổ chức thẩm định này. Vì vậy, kể từ giai đoạn trên Ban quản lý dự án đường sắt đô thị "hiểu được quyền thẩm định các thay đổi thiết kế kỹ thuật như trên".
Gần đây, Sở Giao thông vận tải có báo cáo cho UBND TP về vấn đề này. Trên cơ sở đó, UBND TP chỉ đạo đối với những "hồ sơ, hạng mục nào đã được Ban quản lý dự án đường sắt đô thị thẩm định, điều chỉnh" phải chuyển lại cho Sở Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp một lần để báo cáo lại cho UBND TP.
"Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị cũng đã tổng hợp hết các hạng mục dự án đã thẩm định, điều chỉnh, kể cả thay đổi thiết kế tường vây để trình lại cho Sở Giao thông vận tải", ông Quang cho biết.
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải xác nhận chuyện tường vây đường hầm metro số 1 (đoạn từ ga Bến Thành đến Nhà hát TP) có thay đổi so với thiết kế. Tuy nhiên ông Tám cho hay các đơn vị chức năng đã thuê tư vấn độc lập để thẩm tra và đưa ra giải pháp phải gia cường thêm khung chống để đảm bảo an toàn. |
QUANG KHẢI - VIỄN SỰ