Vietstock - Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Ai lợi, ai thiệt?
Hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thế nào, ai sẽ chịu thiệt hại là câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này.
Hãng Boeing của Mỹ sẽ thiệt hại nặng nề nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: heraldnet.com.
|
Có thể thấy ngay, trong mấy ngày qua, đồng dollar Úc chao đảo, giá đậu tương phập phù và cổ phiếu của các hãng xe hơi Đức sụt giá, theo Reuters.
Thị trường tài chính biến động do tâm lý e ngại một cuộc chiến không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhà đầu tư tìm cách bảo toàn tài sản, khi các khoản thuế giữa đôi bên được tung ra nhằm vào hàng hóa của nhau, bằng cách mua vào đồng yen Nhật Bản hoặc trái phiếu của chính phủ Mỹ.
Tất cả bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, dẫn đến đe dọa trả đũa tức thì từ phía Bắc Kinh. Sau đây là những loại tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa được cho là dễ bị “tổn thương” khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới lao vào “đại chiến”.
Tiền tệ
Các quốc gia có nền kinh tế mở, dựa nhiều vào thương mại toàn cầu sẽ chịu nhiều thử thách hơn cả, khi thương mại thế giới gặp phen chao đảo. Ví dụ như Australia, có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Đồng tiền nước này chịu tác động rất lớn từ sự tăng trưởng của thế giới. Nhiều nhà đầu tư coi đây là đồng tiền có khả năng thể hiện sức khỏe của thương mại quốc tế tốt hơn hẳn so với đồng dollar Canada. Trong tuần này, đồng dollar Australia rớt giá xuống mức thấp nhất trong 13 tháng qua và còn có thể tiếp tục rớt giá thêm.
Một “ứng cử viên” khác là đồng krona của Thụy Điển do độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nền kinh tế quốc gia Bắc Âu này. Đồng tiền Thụy Điển đã mất giá 2,5% so với đồng euro trong ba ngày qua. “Tiền tệ của các nước phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng toàn cầu sẽ chịu tác động rõ rệt từ bất cứ bước leo thang nào trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”, James Binny, chuyên gia tiền tệ toàn cầu của hãng tư vấn State Street Global Advisors có trụ sở ở London, Anh, nói.
Các đồng tiền ở Châu Á như won của Hàn Quốc, dollar Singapore, dollar Hong Kong trong tuần này cũng yếu đi với lý do tương tự.
Không chỉ lĩnh vực tiền tệ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn tác động mạnh đến các hãng sản xuất máy bay như Boeing hay Airbus, vì họ dựa nhiều vào các nguồn cung cấp nguyên vật liệu ở quy mô toàn cầu.
Boeing là nhà xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Mỹ tại thị trường Trung Quốc và cổ phiếu của hãng, cũng giống như các đối thủ Châu Âu, cũng chao đảo khi căng thẳng thương mại gia tăng.
Ngoài ra, thép và nhôm cũng là những ngành hàng chịu hậu quả nặng nề trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Các khoản thuế của Mỹ đánh vào thép nhập khẩu khiến cổ phiếu của các tập đoàn thép Châu Âu như Thyssenkrupp, Salzgitter và Voestalpine sụt giá.
Các nhà sản xuất Châu Âu nhập khẩu thép cho nhà máy ở Mỹ cũng có khả năng chịu trận.
Nhưng vẫn có những bên được lợi, ví dụ các nhà sản xuất Châu Âu như tập đoàn công nghệ ABB hay Siemens có cơ hội giành được thị phần ở Trung Quốc trước các đối thủ Mỹ như Honeywell.
Nhưng thuế cao hơn có thể tác động tiêu cực đến mọi nền kinh tế và những đối tượng được hưởng lợi kể trên cũng vẫn bị thu hẹp thị trường.
Hàng hóa
Trung Quốc nhập 1/3 số đậu tương cần dùng từ Mỹ, do vậy chuyện Bắc Kinh áp 25% thuế nhập khẩu đã biến mặt hàng này thành “hàng nóng” trong cuộc chiến giữa đôi bên. Bột đậu tương, nguồn thức ăn cho lợn và gia cầm chủ chốt của Trung Quốc sẽ tăng giá. Tính đến hôm qua, giá bột đậu tương, dù chưa bị áp thuế, đã tăng 4,2%.
Thông thường giá đậu tương bị ảnh hưởng bởi thời tiết hơn là các yếu tố kinh tế, nhưng sự trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh đến thị trường này. Doanh nghiệp xuất khẩu đậu tương của Mỹ có thể sẽ mất thị trường vào tay các đối thủ đến từ Nam Mỹ.
Và khi Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng thuế đánh vào ô tô Mỹ, các hãng xe châu Âu cũng phải chịu trận khi nhiều hãng trong số này xuất khẩu xe vào Trung Quốc từ các nhà máy đặt tại Mỹ. Kết quả là cổ phiếu của Volkswagen, BMW và Daimler đã mất giá nghiêm trọng. SXAP, chỉ số cổ phiếu tổng hợp của các hãng xe Châu Âu đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua.
Bắc Kinh có thể làm gì nếu cuộc chiến leo thang?
Theo các chuyên gia, được Reuters phỏng vấn, sau khi đe dọa đánh thuế thêm 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Trung Quốc có thể tăng thuế đối với một loạt hàng hóa Mỹ, ví dụ như máy bay. Bắc Kinh cũng có thể tăng diện hàng hóa chịu thuế. Nhưng cũng chỉ đến mức đó mà thôi. Theo các số liệu của phía Mỹ, trong năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 129,89 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, trong khi Mỹ nhập 505, 47 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Số liệu này khác với những gì hải quan Trung Quốc cung cấp. Theo phía Trung Quốc, họ nhập 153,9 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, xuất qua Mỹ 429,8 tỷ USD hàng hóa.
Do vậy, ngay cả khi ông Trump tiếp tục đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng chỉ có thể đánh thuế thêm đối với 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Để leo thang chiến tranh, vũ khí còn lại của Trung Quốc là các biện pháp phi thuế quan. Các nhà quan sát cho rằng, ở mức phản ứng mạnh nhất, Trung Quốc có thể ban hành lệnh cấm vận thương mại đối với một loạt hàng hóa Mỹ, nhưng việc này lại trái với các luận điểm cũng như hành động xưa nay của Trung Quốc. Động thái đó, nếu xảy ra, sẽ hủy hoại nghiêm trọng quan hệ song phương và làm đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu. Trong lịch sử, Mỹ từng ban hành lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc, kéo dài từ năm 1950 -1972.
Các nhà quan sát cho rằng, ở mức phản ứng mạnh nhất, Trung Quốc có thể ban hành lệnh cấm vận thương mại đối với một loạt hàng hóa Mỹ, nhưng việc này lại trái với các luận điểm cũng như hành động xưa nay của Trung Quốc. Động thái đó, nếu xảy ra, sẽ hủy hoại nghiêm trọng quan hệ song phương và làm đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu. Trong lịch sử, Mỹ từng ban hành lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc, kéo dài từ năm 1950 -1972. |
Anh Minh