Vietstock - Ngành liên quan công nghệ có nhu cầu cao
Có nhiều dự báo về sự lên ngôi của một số ngành nghề liên quan đến công nghệ. Năm 2019 có sự trỗi dậy mạnh mẽ, 'khát' nhân lực, đặc biệt là nhóm nhân lực cao cấp trong ngành công nghệ thông tin, sản xuất cũng như tài chính.
Thị trường lao động năm 2019 sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao. Đào Ngọc Thạch
Mức lương tăng từ 20 - 50%
Trang web tuyển dụng VietnamWorks đưa ra dự báo kế hoạch tuyển dụng năm 2019 qua việc ứng tuyển trực tuyến. Theo đó, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm nay là tài chính/đầu tư, bán hàng, hành chính/thư ký, kế toán, IT/phần mềm... 74% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát của VietnamWorks cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên. Trong đó, 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%.
Có nhiều dự báo về sự lên ngôi của một số ngành nghề liên quan đến công nghệ. Theo báo cáo hướng dẫn lương của Công ty tuyển dụng Adecco VN, năm 2019 có sự trỗi dậy mạnh mẽ, "khát" nhân lực, đặc biệt là nhóm nhân lực cao cấp trong ngành công nghệ thông tin (IT), sản xuất cũng như tài chính.
Những công việc “hot” của năm 2019 là: kỹ sư IT dùng các ngôn ngữ Python, Nett và Java, nghiên cứu Blockchain, trưởng phòng chăm sóc khách hàng, giám đốc kinh doanh, giám đốc vận hành... Mức lương của nhóm ngành này trong năm 2019 tăng từ 20 - 50%.
Tăng mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng dự báo năm 2019 thành phố có nhu cầu 320.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới. Lực lượng sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề sẽ được tuyển nhiều nhất (22,77%), tiếp theo là trung cấp (19,93%), cao đẳng (15,8%), đại học trở lên (20,67%).
“Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã đưa ra chủ trương ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành đòi hỏi quy mô vốn lớn, yêu cầu trình độ công nghệ cao và hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành thâm dụng lao động giản đơn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm, nhận xét: “Nhìn vào thống kê, có thể thấy năm 2019 các nhóm ngành sẽ tập trung mạnh, chuyển dịch cơ cấu mạnh theo nhân lực của thành phố. Trong đó có nhóm ngành cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa, sẽ phát triển ngành công nghệ ô tô. Các ngành khác sẽ chuyển dịch, cần nhiều nhân lực là công nghệ hóa, đầu tư chất liệu cao cấp, công nghệ thực phẩm, nhóm ngành kinh tế, tài chính, tiếp thị số (digital marketing), logistic/vận tải đa phương thức, tài chính - ngân hàng theo hướng quốc tế, xây dựng, điều dưỡng...”.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng các ngành nghề sắp tới đều cần gắn liền với công nghệ thông tin, tích hợp công nghệ cao. Nhân lực cũng cần được đào tạo theo hướng này để có cơ hội việc làm tốt nhất.
Đa số học sinh vẫn chọn nhóm ngành kinh doanh - quản lý Năm 2018, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã có một khảo sát nhu cầu học nghề - việc làm tại 37 trường THPT với 23.041 học sinh. Nhu cầu chọn ngành nghề của học sinh tập trung chủ yếu vào một số nhóm ngành chính. Chẳng hạn, nhóm ngành kinh doanh - quản lý chiếm 16,59%, tập trung ở các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị nhân lực... Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật chiếm 11,86%, tập trung ở các ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật kiến trúc... Nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin chiếm 10,74%, tập trung ở các ngành kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, an toàn thông tin... |
Ý kiến Người lao động chủ động tự nâng cao kỹ năng Cuộc cách mạng 4.0 sẽ thay thế công việc mang tính lặp lại bằng trí tuệ nhân tạo (AI)/tự động hóa trong khi nhu cầu về kỹ thuật, kỹ năng nhận thức cấp cao, xã hội và cảm xúc sẽ gia tăng. Lao động VN cần chủ động trong việc tự nâng cao kỹ năng của bản thân, qua tài liệu trên mạng và thực tế. Andree Mangels (Giám đốc điều hành Adecco VN) Công nghệ sẽ đóng vai trò chủ yếu Trong năm 2019 và các năm kế tiếp, công nghệ sẽ đóng vai trò chính yếu. Trong lĩnh vực đào tạo, các doanh nghiệp đều bàn đến chuyện ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả. Các khách hàng ngành may mặc, giày... bàn đến tự động hóa, robot hóa để nâng cao năng suất và thay thế con người. Các khách hàng khác thì bàn đến các hệ thống thông minh để quản trị văn phòng, nhà máy, giảm bớt giấy tờ, quy trình và thủ tục... Tiến sĩ Vũ Thế Dũng (Giám đốc điều hành Thinking School) |
Đăng Nguyên