Vietstock - Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp 'chết đứng như Từ Hải' vì mỗi ngành một Luật
Những cải cách pháp luật kinh doanh năm 2018 được đánh giá do "lệnh Chính phủ dội xuống" nhiều hơn là sự tự giác của các bộ, ngành.
Phát biểu mở đầu hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh ngày 14/1, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, bức tranh pháp luật kinh doanh 2018 vẫn còn những điểm mờ khi cải cách ở nhiều lĩnh vực chậm và chưa thực chất.
"Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng gập ghềnh trong tư duy quản lý của các bộ ngành. Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa", ông nói trong phát biểu mở đầu hội thảo.
Theo Chủ tịch VCCI, sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó. "Tình trạng mỗi bộ ngành một luật. Theo luật của bà Bộ trưởng này thì đúng, chiểu theo luật của ông Bộ trưởng khác thì sai. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhiều khi "chết đứng như Từ Hải", ông Lộc nêu.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI. Ảnh: Nhật Minh
|
Việc cắt giảm, rồi sửa đổi dồn dập các quy định được cho là điều kiện kinh doanh cản trở doanh nghiệp được tiến hành rầm rộ tại tất cả các bộ, ngành và địa phương trong suốt năm 2018. Thống kê của VCCI, đã có 25 Nghị định được ban hành, sửa đổi 80 Nghị định. "Đây là bước tiến lớn với nhiều bộ, ngành", ông Đậu Anh Tuấn -Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét.
Nhưng điều khiến ông Tuấn cũng như nhiều doanh nghiệp băn khoăn, là có bao nhiêu trong số các bộ, ngành xông xáo cắt giảm "giấy phép con" kia đã thay đổi thực chất ?.
Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn chứng bằng chính câu chuyện vướng mắc xảy ra tại một doanh nghiệp dệt may. Ông kể, việc bãi bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt tại Thông tư 37 của Bộ Công Thương từng được nhận xét là "điểm sáng" trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Thế nhưng tới giờ cũng chính doanh nghiệp này lại đang kêu trời vì nhiều điều kiện kiểm tra formaldehyt lớn hơn, khó khăn hơn được quy định tại Thông tư 21 được ban hành thay thế.
"Thực tế này đặt ra vấn đề cải cách, rà soát, thay đổi liệu có tính bền vững hay không", ông Tuấn nói.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, mức độ cởi mở, công khai tham vấn của các bộ, ngành rất khác nhau. Nhiều bộ, ngành khá cầu thị, đối thoại trong quá trình cắt giảm, nhưng ngược lại ở một số nơi việc cắt giảm thực chất là "bị ép buộc từ trên xuống".
Điều này cũng được chính Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu chia sẻ. Tất cả các cải cách đều xuất phát từ sự áp đặt của Chính phủ xuống các bộ, ngành chứ chưa có một bộ, ngành nào chủ động đề xuất cải cách, bỏ điều kiện kinh doanh mình nắm giữ. "Nếu Chính phủ không yêu cầu nữa thì sao? Động lực cải cách sẽ mất đi", ông Hiếu nói.
Vì thế những "ăn mừng" về cải cách pháp luật kinh doanh vừa rồi mới chỉ ở phạm vi hẹp, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, trong khi có những điều kiện kinh doanh có tác động gây khó khăn cho doanh nghiệp lại "lờ" đi, hoặc cắt chỗ này nhưng lại mọc ở nơi khác.
Năm 2019, mục tiêu cắt giảm tiếp 50% điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục được Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành. Và theo Phó viện trưởng CIEM, cần một cách tiếp cận khác, mạnh mẽ và thực chất bởi "xã hội không chờ được".
Cụ thể, ông Hiếu đề xuất, tách các đơn vị sự nghiệp có chức năng về kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng ra khỏi các bộ, ngành và giao cho tư nhân. Về lâu dài, việc soạn thảo các văn bản pháp luật nên giao cho các cơ quan chuyên môn chứ không phải các cơ quan thực thi pháp luật.
"Đừng chỉ tháo gỡ rào cản do chúng ta đặt ra mà phải thúc đẩy phát triển. Các bộ, ngành, cơ quan phải có tư duy là tháo bỏ rào cản là đương nhiên, thúc đẩy phát triển mới là vấn đề quan trọng", ông nói.
Ở góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận, hành trình tiến đến môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi còn gian nan. Bởi vậy, ông vẫn kiên định đề xuất, 6 tháng một lần VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trình Quốc hội và Chính phủ bản khuyến nghị một luật sửa nhiều luật có liên quan đến môi trường kinh doanh.
"Nếu cứ chờ sửa các đạo luật theo đúng quy trình thì rất chậm, trong khi thực tế có rất nhiều vấn đề không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy rõ ràng là bất hợp lý nhưng vẫn phải thực hiện vì luật quy định như vậy", Chủ tịch VCCI chốt lại.
Nguyễn Hoài