Vietstock - Italy lo giới mafia can thiệp bầu cử
Các vụ mafia mua phiếu bầu không phải là chuyện hiếm ở Italy...
Chống mafia là một vấn đề nan giải của Italy - Ảnh: Getty/CNBC.
|
Cuộc tổng bầu cử sắp diễn ra tại Italy vào tháng 3 đứng trước nguy cơ bị các băng đảng tội phạm mafia can thiệp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này, ông Marco Minniti, vừa đưa ra cảnh báo.
Theo hãng tin CNBC, người Italy sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 4/3 và ông Minniti nói rằng đang tồn tại một sự im lặng quá lớn về nguy cơ mà giới mafia đặt ra đối với nền dân chủ và "quyền tự do bầu cử".
"Các nhóm mafia có khả năng gây ảnh hưởng lên các định chế và nền chính trị", ông Minniti, một người thuộc Đảng Dân chủ (PD) cầm quyền, nói.
Italy có một loạt băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó lớn nhất là nhóm Ndrangheta ở Calabria, nhóm Cosa Nostra ở vùng Sicily, và nhóm Camorra ở vùng Campania. Hãng thông tấn Italy ANSA nói rằng cả ba nhóm này đều có dính líu đến các vụ mua phiếu bầu trong những năm trước đây.
Các vụ mafia mua phiếu bầu không phải là chuyện hiếm ở Italy, và đã có nhiều chính trị gia nước này bị điều tra trong những vụ như vậy ở cấp địa phương và vùng. Năm 2014, Quốc hội Italy thông qua một đạo luật nhằm ngăn chặn và xử lý mạnh tay hơn tình trạng mafia can thiệp bầu cử. Trang thống kê Statista nói rằng số cá nhân bị bắt liên quan đến các vụ mafia mua phiếu bầu ở Italy đã tăng từ 6 lên 17 vụ trong thời gian từ nửa cuối năm 2015 đến nửa đầu năm 2016.
Ủy ban Chống mafia của Italy đã thực hiện nhiều nghiên cứu, báo cáo và thúc đẩy cải cách trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức vốn là một vấn đề kinh niên ở nước này.
Italy là nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone, và giới mafia Italy, với các hoạt động trải rộng từ buôn bán hàng giả, ma túy, bảo kê, lừa đảo, cướp giật… cũng có một sức mạnh kinh tế riêng.
Dù khó để đưa ra một con số đáng tin cậy về hoạt động của các tổ chức mafia, cơ quan thống kê Istat của Italy vào năm 2017 nói rằng nền kinh tế ngầm của nước này có trị giá khoảng 208 tỷ USD trong năm 2015, tương đương khoảng 12,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), trong đó các hoạt động phi pháp chiếm khoảng 17 tỷ Euro.
Không chỉ là một vấn đề của riêng Italy, khoản lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động phi pháp đồng nghĩa với việc các nhóm mafia đã xâm nhập vào nhiều khu vực của nền kinh tế chính thức ở Italy và châu Âu, thực hiện việc rửa tiền thông qua các vụ đầu tư bất động sản, tham gia vào các hợp đồng công và tư nhân.
Theo một báo cáo năm 2016 của Liên minh châu Âu (EU), những lĩnh vực mà giới mafia thường tham gia để rửa tiền bao gồm xây dựng, dịch vụ điện nước và xử lý rác thải.
DIỆP VŨ