Vietstock - Hai tập đoàn Mỹ chọn Đà Nẵng làm cứ điểm rót 240 triệu USD làm linh kiện ôtô, máy bay
Tập đoàn Key Tronic EMS đầu tư 70 triệu USD và Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte.LTD rót 170 triệu USD vào Đà Nẵng ngay dịp đầu năm...
Đà Nẵng đang trong giai đoạn thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao
|
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) vừa được Ban này cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng.
Dự án có quy mô sản xuất 100 triệu sản phẩm/năm, sản xuất đèn báo hiệu ôtô dùng để xuất khẩu (đèn tín hiệu ưu tiên dùng cho xe cảnh sát, xe ưu tiên, báo hiệu đường bộ). Thời hạn hoạt động của dự án là 12 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu.
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng cho biết thêm, trong tháng 3/2019, Tập đoàn Key Tronic EMS triển khai việc xây dựng, cải tạo nhà xưởng và lắp đặt thiết bị vào tháng 5/2019 để chính thức đi vào hoạt động trong tháng 8/2019.
Key Tronic là nhà sản xuất thiết bị điện tử, có trụ sở chính tại Spokane Valley (Mỹ) và có các nhà máy tại Trung Quốc, Mexico.
Văn phòng UBND Tp. Đà Nẵng cũng cho biết, Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte.LTD (UAC, Mỹ) sẽ đầu tư nhà máy sản xuất một số cấu kiện, bộ phận chi tiết máy bay tại khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 170 triệu USD.
Giấy chứng nhận dự án sẽ được chính quyền Đà Nẵng trao cho UAC vào ngày 1/3 tới. Khi đi vào hoạt động, UAC dự kiến sản xuất 4.000 trong tổng số 5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, EU.
Dự án này đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, tăng lên 85 triệu USD sau đó một năm và tạo ra giá trị xuất khẩu 180 triệu USD mỗi năm từ sau 2026. UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới, thường cung cấp hợp đồng dài hạn cho Boeing và Airbus.
Bạch Huệ