Vietstock - Thành phố hai bên sông Hồng không thể vội vã
Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, việc quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng là mong muốn của nhiều người dân Thủ đô nhưng không vì thế mà quy hoạch một cách vội vã.
* Hà Nội: Quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, quy hoạch hai bên sông Hồng không thể vội vã
|
Ngày 28/11, tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Long Biên, trả lời ý kiến của cử tri Thái Văn Sơn (phường Long Biên) về thực trạng phát triển hai bên sông Hồng của Thủ đô hiện nay và đề nghị Hà Nội cần sớm hoàn thiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhằm đưa Thủ đô phát triển văn minh, giàu đẹp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, đây là mong muốn chung của nhiều người dân Thủ đô. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội không vì thế mà xây dựng quy hoạch vội vã bởi sông Hồng liên quan mật thiết tới bảo đảm an toàn cho Hà Nội.
Theo ông Hải, thực tế thành phố Hà Nội sẽ đẹp hơn nhiều nếu hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch bài bản, phát triển đô thị hiện đại.
Ông Hải cho biết, quá trình quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội hiện đang được thành phố phối hợp với nhiều đơn vị, Bộ ngành và các đơn vị tư vấn ngoài nước thực hiện bài bản, chặt chẽ.
Phối cảnh dự án quy hoạch hai bên sông Hồng được đưa ra ý tưởng trước đây
|
Dự án quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng của Hà Nội đã có từ rất lâu, mà với nhiều lý do đến nay vẫn chưa được triển khai.
Từ năm 2006, Hà Nội nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Năm 2007, dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo đề xuất của dự án, tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ. Kết hợp với tuyến đê sẽ là các trục giao thông lớn dọc sông, tuyến vận tải thuỷ trên sông được cải tạo, kết hợp chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ.
Theo tính toán dự án thành phố bên sông Hồng với vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Trong đó, khu vực 1, từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến địa điểm bắt đầu dự án (Bát Tràng).
Theo quy hoạch dự án trên, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội, trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích. Diện tích còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ. Dự án 7 tỷ USD được đưa ra kế hoạch triển khai từ năm 2008 đến 2020. Tuy nhiên, cho tới nay, dự án vẫn không được triển khai.
Và mới đây, đầu năm 2017, TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch- Kiến trúclà đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Nghiên cứu quy hoạch phân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 lập quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Giai đoạn 2, quy hoạch 2 bên sông Hồng đoạn còn lại trên địa bàn thành phố.
Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch, bàn giao cho 3 nhà đầu tư (Sungroup, Vingroup, Geleximco) để cung cấp cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu.
Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin Geleximco mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng, dự án đối diện với sức ép lớn, khi dư luận, giới chuyên gia đặt dấu hỏi những vấn đề nhạy cảm an ninh quốc phòng. Tháng 3/2017, ông Phạm Quý Tiên - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội lên tiếng khẳng định, Hà Nội chưa “chốt” giao việc nghiên cứu lập quy hoạch hai bên sông Hồng cho đơn vị nước ngoài nào, mọi việc mới dừng ở đề xuất.