Vietstock - IPO Agribank vào năm 2019, mở cửa cho nước ngoài mua ba ngân hàng “0 đồng”
Theo kế hoạch, Agirbank dự kiến được IPO vào năm 2019. Còn với BIDV và Vietcombank, hai “ông lớn” này đang chủ trương bán bớt vốn nhà nước hoặc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đang trong quá trình thương thảo với NHNN cùng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại sự kiện |
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 diễn ra chiều ngày 08/08, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận quy mô M&A tại Việt Nam đạt 50 tỷ USD trong 10 năm qua. Năm 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt kỷ lục 10.2 tỷ USD, tăng gần 10 lần so với năm 2009. Có thể thấy, hoạt động M&A năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến. Nguyên nhân của sự đột biến này là thương vụ ThaiBev – Sabeco. Với giá trị 4.8 tỷ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt trên 3.55 tỷ USD, bằng 155% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư FDI, FII, tạo điều kiện cho M&A diễn ra sôi động. Chính hoạt động này góp phần cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đạt thành công như mong đợi.
Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, chính phủ khuyến khích M&A các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ thành ngân hàng lớn hơn, quản trị tốt hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng ngân hàng nhỏ tại Việt Nam còn khá nhiều. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích M&A và xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đi cùng cùng với quá trình tăng cường xử lý nợ xấu, nợ xấu của Việt Nam trong những năm qua giảm rất nhanh, tính đến tháng 6 năm nay còn 6.9%, nợ xấu nội bảng còn hơn 2%. |
Mặt khác, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc đang đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như OceanBank, CBBank, GPBank… Được biết, Chính phủ rất hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới đây nhưng sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam. Cơ quan này đang lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, chính sách đặc thù trong Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội sẽ là công cụ tốt cho Việt Nam thực hiện việc này.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn tại các ngân hàng TMCP Nhà nước. Theo kế hoạch, Agirbank dự kiến được IPO vào năm 2019. Còn với BIDV và Vietcombank, hai “ông lớn” này đang chủ trương bán bớt vốn nhà nước hoặc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đang trong quá trình thương thảo với NHNN cùng Chính phủ.
Thu Phong