Vietstock - Thị trường du lịch hỗn loạn vì “tour 0 đồng”
Tour du lịch 0 đồng là một mô hình kinh doanh mới của một số doanh nghiệp Trung Quốc và gần đây nó được các doanh nghiệp du lịch lữ hành Việt “học hỏi” khá nhanh và bài bản.
Thời gian qua hình thức tour 0 đồng hay còn gọi là tour du lịch miễn phí dành cho người trung tuổi, cựu chiến binh được tổ chức dưới hình thức tham quan, khám phá di tích lịch sử - văn hóa được diễn ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ngoài Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, nó đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương như: Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An..v..v. Với chiêu thức dụ dỗ, lôi kéo tinh vi, rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã “ngậm đắng nuốt cay” khi phải chi trả một số tiền lớn cho các sản phẩm kém chất lượng.
Một trong những sản phẩm được chào bán tại tour du lịch 0 đồng.
|
Theo lời mời chào của một số doanh nghiệp Việt mà báo chí đưa tin phản ánh, đây là chuyến đi miễn phí, được doanh nghiệp bao ăn, ngủ nghỉ, đi lại, du khách không phải đóng góp bất cứ khoản tiền nào.
Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ chú thích, các hội viên mang tiền để mua quà lưu niệm, đặc sản vùng miền. Rồi, đồ gia dụng như: xoong nồi, chảo, đèn pin, dao, thớt, quần áo, thuốc bổ... lần lượt được doanh nghiệp giới thiệu, chào bán trong khuôn khổ chuyến đi. Ngoài chính sách cho vay nợ, đặt cọc, du khách còn được khuyến khích mua hàng với hóa đơn 2 triệu trở lên sẽ được miễn phí tiếp chuyến du lịch “tri ân” khác.
Xét về bản chất thì đây là một mô hình kinh doanh du lịch giá rẻ. Mô hình này được cho là đã góp phần giúp Việt Nam thu hút thêm được khá nhiều du khách Trung Quốc, cũng như việc các doanh nghiệp Việt tổ chức được nhiều tour giá rẻ, thu lời cao.
Tuy nhiên, tour du lịch 0 đồng ngày càng "biến tướng", tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và nguy cơ tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, công bằng. Thậm chí, có thể nói nó là một hình thức “lừa dân”, tạo ra sự hỗn loạn cho thị trường du lịch nói riêng và nền kinh tế.
Như vậy, chính du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp bao thầu. Từ đây xuất hiện cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn phong phú, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, đây cũng là cuộc chiến của các hãng hàng không và các nhà thầu máy bay. Cuộc chiến giữa sản phẩm du lịch của các công ty gom khách và cũng là cuộc chiến đến từ chính các công ty đón khách.
Liên quan đến “vấn nạn tour 0 đồng", PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Không thể có chuyện làm ăn, hoạt động phi pháp trên một đất nước có chủ quyền, việc này phải được xử lý nghiêm. Liệu có hay không hiện tượng những người có trách nhiệm có quyền lợi trong việc để tồn tại tour 0 đồng dẫn đến việc không xử lý hoặc chậm trễ xử lý”.
Điều này cũng có nghĩa, đang có sự buông lỏng quản lý, và chính sách phát triển ngành đang gặp bất cập thật sự. Nên cần phải có chính sách du lịch đồng bộ, làm tốt quản lý nhà nước và chế độ quản lý doanh nghiệp tại địa phương.
Chẳng hạn như: Yêu cầu doanh nghiệp làm du lịch báo cáo doanh thu định kỳ, phối hợp kiểm soát từ khi khách du lịch nhập cảnh (chia sẻ thông tin từ hải quan, cục xuất nhập cảnh với cơ quan quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp). Tới khi mua hàng, khách hàng nước ngoài mua hàng phải xuất trình hộ chiếu và kết hợp với đầu vào, đầu ra xuất - nhập - tồn hàng hoá và báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp bán hàng cho khách du lịch theo từng thời điểm.
Có thể khó kiểm soát, nhưng không có nghĩa là không làm được. Các cơ quan chức năng, địa phương cần phải kịp thời, quyết liệt chấn chỉnh tour du lịch 0 đồng, nếu không, nó sẽ tạo nên một sự hỗn loạn của thị trường du lịch, ảnh hưởng xấu đến “bộ mặt” của kinh tế nói chung.
Sông Hàn