Vietstock - Công bố 524 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao
Tối 20/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức Lễ công bố 524 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Chương trình cũng vinh danh 14 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập ngành thực phẩm được đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng và công bố, nâng tổng số lên 102 doanh nghiệp đạt chuẩn hội nhập này.
Các doanh nghiệp đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 hoạt động ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề như bánh kẹo, thực phẩm, nước chấm, gia vị, sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống; nông sản tươi; văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm; sản phẩm vải sợi, may thêu, da, giả da; nhựa, kim khí gia dụng, máy móc gia dụng; vật liệu xây dựng, phân bón…
Cụ thể, có thể kể đến các doanh nghiệp, gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên bánh kẹo Á Châu, Công ty cổ phần Vinamit, Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, Công ty cổ phần khóa Việt-Tiệp, Công ty trách nhiện hữu hạn sản xuất cân Nhơn Hòa, Công ty cổ phần nhôm nhực Kim Hằng, Công ty trách nhiệm hữu hạn vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ, Công ty cổ phần giấy Vĩnh Tiến, Công ty trách nhiệm hữu hạn nệm Vạn Thành…
Cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì thực hiện khép lại sau ba tháng điều tra. Trong đó, sau khi công bố danh sách sơ bộ ngày 26/12/2018, Hội đã dành ra một tháng tiếp nhận hồ sơ minh bạch và cập nhật thông tin của doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận ý kiến phản hồi về tuân thủ pháp lý kinh doanh của các cơ quan quản lý kinh doanh các địa phương mà doanh nghiệp đăng ký.
Mặt khác, Cuộc điều tra huy động 270 phỏng vấn viên trên toàn quốc cùng với 60 quản lý, giám sát vùng đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 12.000 hộ gia đình và 5.400 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của bốn vùng kinh tế (miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ). Bên cạnh đó, cuộc điều tra năm nay đã nâng cấp việc thăm dò online với App chuyên dụng và kết quả thu được gần 4.000 ý kiến trả lời là người tiêu dùng cả nước.
Tại Lễ công bố, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, bên cạnh các nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, Hội sẽ tiếp tục triển khai Bộ tiêu chuẩn LocalG.A.P trong năm 2019. Bên cạnh đó, chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và công nghệ hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp làm tiêu chuẩn, Diễn đàn Mekong Connect mở rộng từ 2019, Chuỗi hội chợ trong ngoài nước cùng các bBusiness trip... sẽ là những hoạt động trọng tâm của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhằm nâng tầm hàng Việt.
Qua 23 năm, đồng hành cùng Cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao, rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu đã vươn lên và phát triển bền vững. Song song đó, những thông tin bổ ích từ cuộc khảo sát đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn cận cảnh về một “chân dung thị trường” trong chuyển động của các Hiệp định thương mại tự do.
Đơn cử, trong bối cảnh hiện nay là sự tác động của làn sóng công nghệ sinh ra từ cách mạng 4.0. Ngoài ra, có một thực tế không thể bỏ qua, đó là hàng hoá ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, chặng đường 23 năm Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, gần 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai vào thưc tiễn cuộc sống đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dung Việt Nam. Những doanh nghiệp đạt danh hiệu chứng nhận là những doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa tiêu chuẩn-chất lượng-thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình, có thể kể đến việc áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến sản xuất, hệ thống cung ứng, phân phối và phát triển thương hiệu sản phẩm…
Danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp, mà còn khuyến khích việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, cho thấy những cải tiến không ngừng nghỉ của Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao và Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong những năm qua.
Mỹ Phương