Vietstock - Hút vốn ngoại cho vay tiêu dùng
Những ưu thế vốn của đối tác ngoại là một trong những yếu tố giúp các công ty tài chính có kết quả kinh doanh khả quan trong những năm gần đây.
FE Credit mới đây đã nhận một khoản vốn có giá trị đảm bảo với Deutsche Bank trị giá 100 triệu USD. Năm ngoái, công ty tài chính này cũng đã nhận khoản vay hợp vốn 100 triệu USD do Credit Suisse AG Singapore thu xếp. Việc này được lãnh đạo công ty giải thích rằng để tăng năng lực tài chính, củng cố vị thế dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng trong nước.
Mô hình công ty tài chính hiện chỉ được huy động vốn bằng hình thức phát hành giấy tờ có giá cho các tổ chức kinh tế, chứ không được nhận tiền gửi trực tiếp từ dân cư.
Người ta cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp, các DN nội trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ban đầu được các tổ chức tài chính nước ngoài hỗ trợ cho vay, sau đó đã mua cổ phần chi phối. Đơn cử, sau gần 2 năm hợp tác chiến lược tài chính, HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Hay trường hợp Shinsei Bank rót vốn góp vào MCredit (công ty tài chính của MB), sau thương vụ này, MCredit đổi tên thành Công ty TNHH tài chính tiêu dùng MB Shinsei…
Thị trường cho vay tiêu dùng có nhiều DN tham gia nhưng khả năng giữ thị phần không nhiều
|
Một lãnh đạo công ty tài chính trong nước thừa nhận, đây là giải pháp tốt nhất để các công ty tài chính có thể cạnh tranh giành thị phần. Theo đó, sắp tới thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều trường hợp tài trợ vốn từ đối tác ngoại nữa. Nhiều dự báo đưa ra rằng, năm 2018 sẽ có một luồng vốn ngoại chảy vào Việt Nam mạnh hơn qua các công ty tài chính để mở rộng thị trường tín dụng tiêu dùng.
Tập đoàn BMI và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tốc độ đô thị hóa nhanh đã hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Hầu hết các công ty tài chính trong nước hiện nay ít nhiều đều có sự góp vốn hay tài trợ tài chính từ các đối tác ngoại. Tổ chức tài chính quốc tế có dư vốn và kinh nghiệm làm thị trường, trong khi các công ty tài chính trong nước thì am hiểu người tiêu dùng, sự kết hợp này như hai nửa chưa hoàn thiện ghép lại với nhau.
Một định chế tài chính Đức có thể rót 100 triệu USD cho FE Credit, khi công ty tài chính này đang dẫn đầu thị phần trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam. Khi có đối tác ngoại trường vốn chống lưng, các công ty tài chính sẽ không còn quá lo ngại về tìm vốn đầu vào và vấn đề chỉ là thu hút người tiêu dùng vay vốn thế nào. Điều dễ nhận thấy nhất là hàng loạt các công ty tài chính thời gian qua đẩy mạnh tung sản phẩm đi kèm khuyến mãi. Thậm chí, một số công ty tài chính còn xây dựng các sản phẩm chuyên biệt để thu hút khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của họ.
Đặc biệt, công ty tài chính ngày càng hợp tác sâu rộng với các điểm bán lẻ điện máy, xe máy… Không chỉ cạnh tranh lãi suất, các công ty tài chính còn có thủ tục vay vốn gọn nhẹ để thu hút người tiêu dùng. Có thể kể ra đây là việc khuyến mãi cho người vay đầu đến khuyến mãi cho người thân của người đã vay vốn tiêu dùng như FE Credit, hay cam kết giải ngân nhanh, tặng quà khi vay vốn như HDSaison, ACS, MCredit. Hoặc Home Credit cũng đang chuẩn bị thay đổi hoàn toàn việc nhận diện thương hiệu, chuẩn bị một chiến lược kinh doanh mới tại Việt Nam…
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, những ưu thế vốn của đối tác ngoại là một trong những yếu tố giúp các công ty tài chính có kết quả kinh doanh khả quan trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện vẫn bị cho là khá cao trên thị trường cho vay tín chấp.