Vietstock - Nhà ở xã hội: “Chắc chắn không hoàn thành mục tiêu 12.5 triệu m2 trong 2 năm còn lại”
Hiện nay và trong thời gian tới, nguồn cung về nhà ở sẽ tiếp tục hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019” sáng ngày 11/12
|
Theo số liệu do ông Vũ Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cung cấp tại Hội thảo “Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019” sáng ngày 11/12, tính đến tháng 11/2018, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 22,976 tỷ đồng, giảm 105,572 tỷ đồng so với đỉnh điểm quý 1/2013 (128,000 tỷ đồng). Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho này vẫn còn khá lớn, tập trung ở các dự án nằm xa trung tâm đô thị, hạ tầng chưa có hoặc chưa hoàn thiện.
“Nếu chủ đầu tư không báo cáo với UBND các tỉnh dự án tồn kho này để được điều chỉnh, điều chuyển sang phân khúc nhà ở giá thấp hoặc sang nhà ở xã hội thì sẽ không giải quyết được tình trạng tồn kho này”. Theo đó, ông Phấn khuyến cáo các chủ đầu tư, các địa phương chuyển sang phân khúc bình dân và trung cấp.
Một vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi về thị trường nhà ở hiện nay là sự mất cân đối giữa hai phân khúc bình dân và cao cấp. Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2) nói chung chỉ chiếm từ 20% - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) lên đến 70% - 80%.
Thế nhưng nguồn cung nhà ở trung cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp – phân khúc thị trường đang cần nhiều.
Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay mới hoàn thành được 3.92 triệu m2, chỉ đạt 31% so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 cần đạt 12.5 triệu m2 nhà ở xã hội. “Chắc chắn trong hai năm còn lại không thể hoàn thành mục tiêu”, ông Phấn khẳng định.
Chính sách nhà ở xã hội mà cụ thể là Luật nhà ở và nghị định 100 của Chính phủ quy định rất nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp hiện nay cũng không đòi ưu đãi về tiền đất nữa. Riêng nguồn tín dụng cho vay, theo chương trình ngân sách Nhà nước phải bố trí đến 1,160 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội nhưng đến chỉ mới phân bổ được 500 tỷ đồng trong năm 2018.
Trong 500 tỷ đồng đó, Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phép cho hộ gia đình cá nhân vay theo nghị định 100 và chủ đầu tư không được tiếp cận nguồn vốn vay này. Mặt khác, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại không có, càng khó khăn hơn cho các chủ đầu tư tham gia làm dự án nhà ở xã hội.
“Rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia phải dựa vào ngân sách, nhà ở xã hội cũng vậy. Thế nhưng nếu cấp bù đủ lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại, cấp bù 1,000 tỷ đồng, người ta sẽ huy động được 33,000 tỷ đồng cho cả hộ gia đình và chủ đầu tư vay. Chứ còn cấp cho ngân hàng xã hội thì người ta chỉ huy động được gấp đôi”, ông Phấn dẫn chứng.
Cả hiện nay và trong thời gian tới, nguồn cung về nhà ở sẽ tiếp tục hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiện nay, có 205 dự án nhà ở xã hội chậm trễ, trong đó có một số dự án được “vay một chút” trong gói 30,000 tỷ đồng trước đây.
Bên cạnh đó, phân khúc bình dân (không phải là nhà ở xã hội) hay còn được gọi là nhà ở thương mại giá thấp vẫn chưa có cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Với cái nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực đặt nghi vấn về cách làm của Bộ Xây dựng khi đưa ra ý kiến: “Tôi tự hào hơn 10 năm trước là người đầu tiên làm những căn hộ nhỏ, rẻ, xanh và khi so sánh cách làm của Bộ Xây dựng, đưa ra những kiến nghị và tôi đưa ra kết luận cách làm Bộ xây dựng đưa đến thất bại. Muốn cho người nghèo có nhà thì cách duy nhất là người nghèo ở tập trung với căn hộ 30 m2”. Ông Đực cũng chỉ rõ ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An, “người ta làm những căn nhà nhỏ, rẻ, bán 3 triệu đồng – 6 triệu đồng/m2 mà TP.HCM không làm được”.
Nguyên Ngọc