Vietstock - Ngân hàng rộng đường cho doanh nghiệp vay USD
Lãi suất cho vay USD hiện chỉ khoảng 3-5%, chênh lệch đến 5 điểm phần trăm so với vay tiền đồng, vì thế với chính sách nới hạn cho vay ngoại tệ, các doanh nghiệp được cho là hưởng lợi nhiều.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 24 năm 2017 về cho vay ngoại tệ, trong đó có nhiều điểm có lợi cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến nới thời gian cho vay ngoại tệ để nhập hàng sản xuất hàng hóa xuất khẩu - Ảnh: T.T.D.
|
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc nới thời gian cho vay ngoại tệ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, không phải là lần đầu tiên được áp dụng, nhưng dự thảo này có nhiều điểm mới rất có lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, ngoài việc gia hạn thời hạn cho vay ngắn hạn (đến ngày 31-3-2019) và trung dài hạn (30-9-2019) để nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, việc cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu... sẽ không bị giới hạn về thời gian.
"Đây là điểm mới, tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tất nhiên, khách hàng phải đảm bảo có nguồn ngoại tệ để trả nợ vay" - vị này nói. Cũng theo dự thảo, khi đến hạn trả nợ vay, nếu chưa có đủ ngoại tệ để trả và chứng minh được nguyên nhân khách quan, khách hàng vay có thể mua ngoại tệ tại NH khác để trả nợ vay.
Theo ông Nguyễn Đức Thăng - giám đốc điều hành Công ty CP may Đáp Cầu, chi phí lãi vay ngoại tệ hiện ổn định mức 2-3%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi vay VND.
"Nếu được vay ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ mạnh tay vay vốn nhập khẩu máy móc, hàng hóa sản xuất hàng xuất khẩu" - ông Thăng khẳng định.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng với chênh lệch lãi suất giữa USD và VND hiện khoảng 5%/năm, doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ có lợi hơn.
"Một số doanh nghiệp có thể vay ngoại tệ rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, máy móc thiết bị, sau đó xuất hàng hóa lấy ngoại tệ trả nợ ngân hàng" - ông Hiếu nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Mạnh Thắng - phó tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank (HM:CTG)) - cho rằng việc gia hạn cho các doanh nghiệp có nguồn thu từ xuất khẩu tiếp tục được vay ngoại tệ sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động trong nguồn vốn, giảm thiểu chi phí tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước.
"Việc không giới hạn thời gian vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa dịch vụ để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu là rất tích cực" - ông Thắng nói, đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời hạn cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn để thanh toán hợp đồng nhập máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của NH TMCP Phát triển VN, cần phải hướng dẫn rõ ràng về thời điểm thực hiện. Chẳng hạn, mốc thời gian 31-3-2019 đối với cho vay ngắn hạn là thời điểm để chấm dứt ký hợp đồng cho vay ngoại tệ mới, hay là thời điểm phải tất toán các khoản vay cũ?
Cũng theo ông Lực, phải có giải pháp để đồng tiền trong nước mạnh lên, nhưng cũng cần tính toán tỉ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng bao nhiêu là phù hợp trong khi nền kinh tế VN mở rất lớn, trên 200% GDP, chủ yếu dựa vào xuất khẩu. "Phải tính toán, đánh giá khoa học, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra tỉ lệ phù hợp" - ông Lực nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm, bởi vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi vì lãi suất thấp hơn lãi suất vay VND. Do đó, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần tỉ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, chậm nhất đến năm 2030 sẽ cơ bản khắc phục tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. |
LÊ THANH