Vietstock - Nhẹ gánh dự phòng giúp Eximbank lấy lại mốc lợi nhuận ngàn tỷ sau 5 năm
Sau những bước lùi trong lợi nhuận kể từ năm 2012, lợi nhuận của Eximbank lao dốc từ hàng ngàn tỷ xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng và đến năm 2017 mới “chuyển mình” trở lại.
Theo BCTC quý 4/2017 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB), lợi nhuận trước thuế của sau 5 năm kể từ năm 2012 mới vượt ngưỡng ngàn tỷ, đạt 1,017 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2016 và vượt 70% kế hoạch cả năm.
Đóng góp vào sự tăng trưởng trong lợi nhuận của Eximbank năm 2017 không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ vào lãi thuần từ hoạt động khác tăng mạnh và cắt giảm phần lớn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Lợi nhuận trước thuế của Eximbank từ khi niêm yết
Thu nhập lãi thuần cả năm của Eximbank chỉ đạt hơn 2,600 tỷ đồng, giảm 13% nhưng lãi từ hoạt động khác gấp hơn 6 lần năm trước, đạt 430 tỷ đồng (nhờ tăng thu nợ đã xử lý rủi ro, hoạt động mua bán nợ,…). Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ cũng tăng 10.5% so với năm 2016 lên 330 tỷ đồng.
Hoạt động thoái vốn ngân hàng mang về thêm cho Ngân hàng 107 tỷ đồng, năm 2016 chỉ đạt vỏn vẹn 545 triệu đồng.
Có thể thấy từ cuối năm 2017 cho đến nay, Eximbank đã liên tục bán bớt vốn tại Sacombank nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 của NHNN về giảm sở hữu chéo. Đầu năm 2018, Eximbank không còn là cổ đông lớn của Sacombank khi tỷ lệ nắm giữ chỉ còn 4.91%. Theo nguồn tin từ báo giới, lãnh đạo Ngân hàng này cho biết đã tranh thủ diễn biến thị trường chứng khoán thuận lợi và giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng trong thời gian qua để đẩy nhanh việc thoái vốn khỏi Sacombank. Dự kiến trong tháng 1/2018, Eximbank sẽ thoái hết vốn khỏi Sacombank. Được biết, thoái vốn khỏi Eximbank đến thời điểm này đã đem đến cho Eximbank 400 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó 100 tỷ đồng được ghi nhận vào lợi nhuận năm 2017, còn lại 300 tỷ đồng ghi nhận vào lợi nhuận năm 2018.
Về chi phí, chi phí hoạt động thay đổi không đáng kể trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm gần phân nửa từ hơn 1,000 tỷ đồng xuống chỉ còn 600 tỷ đồng cũng tạo đà bứt phá cho lợi nhuận.
Tính riêng trong quý 4/2017, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 560 tỷ đồng và đóng góp hơn một nửa lợi nhuận cả năm.
Các khoản mục ảnh hưởng chủ yếu đến lợi nhuận quý 4/2017 của Eximbank
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2017
|
Sau khi ghi nhận lợi nhuận năm 2017, Eximbank đã chính thức xóa sạch lỗ lũy kế sau 2 năm kể từ 2015. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2017 của Ngân hàng đạt gần 340 tỷ đồng.
Tổng tài sản có ghi nhận 149,000 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tăng 15%, đạt 117,500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17%, đạt 101,300 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nợ dần dịch chuyển từ nợ dài hạn sang nợ ngắn hạn. Tại thời điểm 31/12/2017, nợ ngắn hạn của Eximbank đạt gần 47,000 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm.
Nợ nhóm 3-5 cũng giảm đáng kể khiến tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2.95% hồi đầu năm xuống 2.27%.
Phân tích chất lượng nợ cho vay
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2017
|
Ngoài số nợ xấu nội bảng, Eximbank còn sở hữu gần 6,000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Lượng trái phiếu đặc biệt này chiếm một phần đáng kể trong tổng quy mô chứng khoán đầu tư (19,600 tỷ đồng). Hiện Ngân hàng đã trích lập dự phòng 1,500 tỷ đồng cho các trái phiếu VAMC.
Thu Phong