Vietstock - Nhiều vấn đề đặt ra với nợ công của Việt Nam
Dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 62,6%GDP, dư nợ chính phủ khoảng 51,8%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2%GDP, trong giới hạn được Quốc hội cho phép.
Chính phủ dự kiến vay nước ngoài về cho vay lại các dự án/chương trình, chính quyền địa phương, trong năm 2017 khoảng 1.120 triệu USD.
|
Đây là thông tin được nêu tại báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Trả nợ đúng hạn, đầy đủ
Cụ thể hơn về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ, báo cáo nêu nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2017 là 316.300 tỷ đồng.
Chính phủ dự kiến vay nước ngoài về cho vay lại các dự án/chương trình, chính quyền địa phương, trong năm 2017 khoảng 1.120 triệu USD (tương đương khoảng 25.760 tỷ đồng).
Kết quả thực hiện, tổng mức vay của Chính phủ 9 tháng đầu năm đạt 254.831 tỷ đồng (bằng 75% kế hoạch, bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 119.000 tỷ đồng (bằng 69% kế hoạch), vay để trả nợ gốc là 125.065 tỷ đồng (bằng 86,9% kế hoạch) và vay về cho vay lại là 10.766 tỷ đồng (bằng 42% kế hoạch). Dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành kế hoạch huy động vốn đã được phê duyệt
Nghĩa vụ nợ của Chính phủ trong năm 2017 khoảng 260.150 tỷ đồng, gồm trả nợ trong nước là 214.878 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trực tiếp là 28.022 tỷ đồng, trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong năm 2017 ở mức khoảng 17.250 tỷ đồng.
Tổng mức trả nợ 9 tháng đầu năm là 213.316 tỷ đồng (bằng 82% kế hoạch), trong đó trả nợ được bố trí trong dự toán chi ngân sách trung ương là 200.417 tỷ đồng (gốc là 125.065 tỷ đồng, lãi là 75.352 tỷ đồng), trả nợ vay về cho vay lại là 12.899 tỷ đồng.
Nhìn chung, công tác trả nợ của Chính phủ năm 2017 được thực hiện chặt chẽ, trả nợ đúng hạn đầy đủ theo đúng các cam kết của Chính phủ với nhà tài trợ - báo cáo nêu rõ.
Cuối năm 2018 nợ công khoảng 63,9%GDP
Theo dự kiến kế hoạch năm 2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội thì vay trả nợ của Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng.
Chính phủ xác định tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bảo lãnh của Chính phủ, theo đó hạn mức cấp bảo lãnh 2 ngân hàng chính sách xã hội theo nguyên tắc số bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm. Hạn mức rút vốn ròng các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh khoảng 1.000 triệu USD.
Về vay nợ của chính quyền địa phương, theo khung cân đối ngân sách Nhà nước năm 2018, dự kiến vay để bù đắp bội chi ngân sách địa phương là 11.149,7 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là khoảng 9.951 tỷ đồng.
Với các kế hoạch như trên, dự kiến dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9%GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%GDP, nằm trong giới hạn cho phép.
Lo áp lực trả nợ
Đánh giá công tác quản lý nợ, Chính phủ cho rằng việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn nhiều vấn đề đặt ra, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ.
Cụ thể, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2016 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Năm 2016 nợ công ở mức 63,6% GDP, nợ Chính phủ ở mức 52,6% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,7% GDP, gần ngưỡng Quốc hội cho phép.
Năm 2016, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước bằng 14,0% tổng thu ngân sách và nếu tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu ngân sách (nằm trong giới hạn được duyệt là không quá 25% so với tổng thu). Tuy nhiên với hệ số thanh toán trả nợ nói trên là khá cao, đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách nhà nước.
Lo ngại tiếp theo là với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn (tối đa 300 nghìn tỷ đồng) gặp khó khăn, tạo sức ép lên trần nợ công, nợ chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của ngân sách.
Vấn đề cần quan tâm còn là lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên (thậm chí có khoản vay IDA SUF của WB có lãi suất lên tới 4,5%/năm), làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Tỷ trọng các khoản vay ưu đãi có lãi suất thả nổi (Libor, Eurobor…) trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ tăng nhanh (khoảng 12,7% năm 2016) làm tăng rủi ro về lãi suất.
Ngoài ra, việc kiểm soát chi phí các hạng mục sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ, vay vốn còn bố trí cho hoạt động mang tính chất chi thường xuyên như: tư vấn hỗ trợ rà soát, nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch, chiến lược; nâng cao năng lực thực hiện và quản lý dự án; cải cách thể chế; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật.
Chính phủ cũng cho biết là dư nợ nước ngoài của Quốc gia năm 2016 tăng đáng kể, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng mạnh. Năm 2016 tăng 14,5% so với năm 2015, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ tăng 8,6%, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh tăng 3,0%, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng 26,8%.
Theo đó, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 29,7%, vượt giới hạn cho phép (25%). Mặc dù Chính phủ đang thực hiện các biện pháp để kiềm chế tốc độ tăng nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, việc tăng nhanh nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp cần có biện pháp để kiểm soát tốc độ tăng dư nợ đảm bảo tuân thủ các hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - Chính phủ lo ngại.
Vẫn theo đánh giá của Chính phủ thì vấn đề cần quan tâm còn là cơ chế quản lý nợ còn phân tán, hiệu lực chưa cao, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam cũng như thay đổi của thông lệ quốc tế.
Nguyên Vũ