Vietstock - Malaysia đang tận dụng lợi thế từ đồng nội tệ?
Khi thương mại toàn cầu hồi phục trong năm nay, Malaysia đã có được một lợi thế so với các nước láng giềng: Đồng tiền rẻ nhất ở Đông Nam Á, Bloomberg cho hay.
Đồng Ringgit hiện giảm hơn 7% so với đồng USD trong năm qua, ngay cả sau đợt hồi phục trong năm 2017. Dù xuất khẩu từ Indonesia sang Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng lượng hàng xuất khẩu của Malaysia mới là tăng trưởng nhanh nhất khi đạt 33% trong tháng 5 vừa qua, mức cao nhất trong vòng 7 năm.
Sau vài năm tăng trưởng chậm lại, tâm lý nhà đầu tư suy giảm và vụ bê bối tham nhũng liên quan đến một quỹ đầu tư do nhà nước sở hữu, cơ hội của Malaysia đang trở lại. Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng của quốc gia này với mức nâng cao nhất trong khu vực Đông Á. Lạm phát đang suy giảm và nhà đầu tư nước ngoài hiện tỏ ra lạc quan hơn về thị trường chứng khoán nước này. Điều đó giúp cho Ngân hàng Trung ương Malaysia được giảm bớt áp lực phải tăng thêm gói kích thích cho nền kinh tế sau đợt cắt giảm lãi suất hồi năm ngoái.
“Đồng Ringgit đã trải qua một giai đoạn khó khăn nhưng nó đang giúp ích cho các công ty xuất khẩu. Điều đó đang thúc đẩy nền kinh tế và với sức tiêu thụ nội địa được cải thiện, Ngân hàng Trung ương nước này rất có thể giữ lãi suất không thay đổi trong 6 đến 12 tháng sắp tới”, Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp ở Singapore, lên tiếng.
Quyết định lãi suất
Theo tất cả 21 chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát, ngân hàng Negara của Malaysia sẽ có thể giữ lãi suất cơ bản của họ ở mức 3%.
“Ngân hàng Negara hiện đang ở hoàn cảnh thuận lợi nhất. Nếu nói về tăng trưởng GDP thì chúng ta đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh trong quý 1/2017, và lạm phát đang dần giảm bớt. Điều này tạo cơ hội cho các nhà làm chính sách duy trì chính sách của họ”, Irvin Seah, một chuyên gia kinh tế cao cấp tại DBS Group Holdings ở Singapore, nói.
WB dự báo nền kinh tế của Malaysia sẽ tăng trưởng ít nhất 4.9%/năm trong giai đoạn năm 2017-2019, cao hơn mức 4.2% của năm ngoái. Theo dữ liệu của Chính phủ Malaysia, kim ngạch xuất khẩu của nước này hiện chiếm khoảng 70% GDP trong năm 2016, với mức giá không đổi.
Mặc dù rủi ro vẫn còn – bao gồm một cuộc tổng tuyển cử và những nghi ngờ về sức mạnh của sự hồi phục thương mại – nhưng giới đầu tư nước ngoài đang đổ xô vào Malaysia. Tính đến thời điểm này của năm nay, những người không phải công dân Malaysia đã mua một lượng cổ phiếu nước này trị giá khoảng 2.4 tỷ USD, nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á nếu không tính Singapore.
Một triển vọng tăng trưởng đang tốt hơn nghĩa là nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương nước này sẽ bắt đầu tỏ thái độ “diều hâu” hơn, Euben Paracuelles, chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings Inc., Singapore, phân tích.