Vietstock - Sắc đỏ vẫn chưa chịu buông tha chứng khoán châu Á
Thị trường chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ vào phiên sáng ngày thứ Tư (14/11), sau đà lao dốc hơn 7% của giá dầu trong đêm qua.
Tính tới lúc 10h10 ngày thứ Tư (14/11 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 102.27 điểm (tương ứng 0.4%). Trên thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite lùi nhẹ 6.09 điểm (tương ứng 0.23%), còn Shenzhen Composite hạ 0.2%.
Chứng khoán Trung Quốc diễn biến tiêu cực dù sản lượng công nghiệp tháng 10 tăng trưởng 5.9% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo từ cuôc thăm dò của Reuters. Hoạt động đầu tư tài sản cố định cũng vượt kỳ vọng trong tháng 10/2018, cao hơn 5.7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 10 lại thấp hơn kỳ vọng, tăng trưởng 8.6% so với cùng kỳ năm trước.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 sụt 78.5 điểm (tương ứng 1.35%) vào phiên sáng. Chỉ số năng lượng lao dốc hơn 3% sau khi giá dầu tụt hơn 7%, còn chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – giảm 1.24%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 7.36 điểm (tương ứng 0.36%), còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 26.35 điểm (tương ứng 0.12%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 10h10 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Giá dầu tiếp đà lao dốc
Tính tới lúc 10h10, hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 0.36% xuống 55.49 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai lùi nhẹ xuống 65.43 USD/thùng.
Trong đêm qua, giá dầu WTI tương lai giảm mạnh xuống đáy 1 năm, nới dài chuỗi lao dốc sang phiên thứ 12 liên tiếp và chìm sâu hơn vào thị trường con gấu, khi nguồn cung có khả năng lấn át cả nhu cầu dầu vào năm tới.
Hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 4.24 USD (tương ứng 7.1%) xuống 55.69 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 16/11/2017. Hợp đồng dầu Brent tương lai lao dốc 4.65 USD (tương ứng 6.6%) xuống 65.47 USD/thùng, giảm 24% so với mức đỉnh tháng 10/2018 và chính thức bước vào thị trường con gấu.
“Giá dầu đã rớt mạnh sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 10/2018 khi những nỗi lo về tình trạng dư cung ngày càng gia tăng”, Vivek Dhar, Chuyên viên phân tích các hàng hóa năng lượng và khai khoáng tại Commonwealth Bank (Australia), cho biết trong báo cáo buổi sáng.
Hôm thứ Hai (12/11), Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al Falih, cho biết các thành viên OPEC cho biết cần phải cắt giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày dựa trên kết quả phân tích kỹ thuật.
Nhận định về động thái của Ả-rập Xê-út, ông Dhar cho rằng điều này “thể hiện sự sẵn lòng thay đổi chiến lược để giải quyết nỗi lo dư cung”.
Dù vậy, ông Dhar cũng cảnh báo “đề xuất cắt giảm sản lượng của Ả-rập Xê-út cần phải có sự tham gia của các quốc gia đồng minh khác. Và đó có thể là một cuộc chiến khó nhằn”.
Thông tin nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Đêm qua, chỉ số Dow Jones giảm 100.69 điểm (tương ứng 0.4%) xuống 25,286.49 điểm, còn S&P 500 lùi 4.04 điểm (tương ứng 0.2%) xuống 2,722.18 điểm, giảm liền 4 phiên. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite gần như đi ngang ở mức 7,200.87 điểm.
Các chỉ số chính trên Phố Wall lập tức lên mức cao nhất trong phiên sau khi Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow, xác nhận thông tin về việc nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tờ The Wall Street Journal (WSJ) ghi nhận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, và Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, đã trao đổi về thương mại. Thông tin này được đưa ra trước cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.033 sau khi tăng vượt mức 97.6 hôm qua.
Đồng JPY – thường được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn – ở mức 113.84 đổi 1 USD, còn đồng AUD ở mức 0.7218 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)