Vietstock - Ngân hàng không 'mặn' cho vay bất động sản
Ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản nhưng các doanh nghiệp vẫn tăng mạnh nguồn cung hàng hóa.
Hầu hết các ngân hàng đều tăng lãi vay đối với bất động sản
Ảnh: Đình Sơn
|
Tăng lãi suất, siết điều kiện
Ngày 23.3, chúng tôi ghé một điểm giao dịch BIDV có trụ sở ở Q.3, TP.HCM, nhân viên tín dụng BIDV tư vấn cho chúng tôi các thủ tục vay mua nhà có thế chấp, lãi suất (LS) cho vay ưu đãi trong 12 tháng đầu là 8,5%/năm. Trả lời thắc mắc về việc lãi vay cao, nhân viên này cho biết LS vừa được điều chỉnh tăng. Thời điểm cuối năm 2017, BIDV áp dụng mức LS cho vay 6 tháng đầu tiên là 7,1%/năm, còn 12 tháng đầu tiên là 7,6%/năm... Như vậy LS vay hiện nay đã tăng từ 0,7 - 0,9%/năm.
Bên cạnh tăng LS, một số ngân hàng (NH) còn đưa ra quy định khá nghiêm ngặt đối với cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS). Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), nói thẳng ACB không chủ trương đẩy mạnh cho vay lĩnh vực BĐS, tỷ lệ cho vay lĩnh vực này của ACB hiện nay chỉ chiếm dưới 10% tổng dư nợ cho vay. Khách hàng vay mua nhà ở, mua căn nhà đầu tiên hoặc thứ hai, có nguồn thu nhập trả nợ là tiền lương, tiền công là đối tượng chính. “Chúng tôi gần như không cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) vay đầu cơ, vay mua gom các tầng chung cư...”, ông Toàn cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tín dụng BĐS của các NH trên địa bàn ước tính đến nay tăng nhẹ so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 10,9%/tổng dư nợ tín dụng (cuối năm 2017 tỷ lệ là 10,8%). LS cho vay BĐS hiện ở mức 9 - 12%/năm, cao hơn các lĩnh vực khác.
Theo tỷ lệ cơ cấu tín dụng do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố gần đây, tín dụng kinh doanh BĐS và xây dựng khoảng 16,1%, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 18,3%. Như vậy, dư nợ cho vay đối với kinh doanh BĐS, xây dựng và tiêu dùng (trong đó NH cho cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà... trả bằng tiền công, tiền lương) hiện lên hơn 2 triệu tỉ đồng.
Cung tăng, giá sẽ giảm
Đáng nói là trong khi các NH hạn chế cho vay thì nguồn cung BĐS trên thị trường lại tăng lên. Theo thông tin công bố của Công ty Đất Xanh, trong năm 2017 công ty này bán hơn 22.100 sản phẩm. Bước sang năm 2018 công ty này cho biết sẽ mở bán 28.000 sản phẩm, trong đó trên 10.000 căn hộ do chính Đất Xanh làm chủ đầu tư.
Tập đoàn Novaland sau một năm 2017 gần như im hơi lặng tiếng thì bước qua năm 2018 dự kiến sẽ tung hàng loạt dự án tại khu đông TP.HCM. Tập đoàn Hưng Thịnh cũng dự kiến trong năm nay sẽ tung ra khoảng 12.000 sản phẩm. Rất nhiều DN khác dự kiến sẽ “bung” hàng sau 1 năm “tắc” vì thủ tục hành chính.
Giải thích nghịch lý siết vốn nhưng hàng vẫn tăng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng đó là vì các DN đã lường trước và đã có kế hoạch chuẩn bị, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để thích ứng với điều kiện mới. Như việc hàng loạt DN BĐS đã ký kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài để “gọi” vốn vào lĩnh vực BĐS.
Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch Công ty Hưng Lộc Phát, cho biết ngoài việc liên kết, liên doanh với đối tác ngoại, các DN cũng có kế hoạch đầu tư hợp lý hơn, đáp ứng đúng phân khúc, nhu cầu của khách hàng thay vì đầu tư tràn lan như trước đây. Về lo ngại nguồn cung quá lớn, ông Lực khẳng định vẫn còn rất ít so với nhu cầu của khách hàng. Bằng chứng là các dự án mở bán trong thời gian gần đây đều được mua hết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS, việc sản phẩm tung ra quá nhiều, cộng với chính sách siết tín dụng ít nhiều sẽ tác động đến thị trường BĐS. “Khi tín dụng bị hạn chế, nguồn cung dồi dào buộc các DN phải tìm các giải pháp để bán hàng, trong đó có việc giảm giá bán, tăng các chính sách khuyến mãi, hậu mãi. Chưa kể BĐS đã liên tục tăng giá trước đó nên chắc chắn nhiều người sẽ chốt lãi. Vì vậy, việc điều chỉnh giá cũng là tất yếu để thu hút thêm lượng khách hàng mới”, vị này phân tích.
THANH XUÂN