Vietstock - Dự án BT: 'Miếng mồi béo bở'
Đấu thầu, chỉ định thầu các dự án đổi đất lấy hạ tầng BT còn có tính hình thức, các dự án BT đang là "miếng mồi béo bở" cho doanh nghiệp và nhóm lợi ích... là những điều mà các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 31-10.
Bốn tuyến có tổng chiều dài 11,9km do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định tới đây sẽ áp dụng hình thức thanh toán ngang giá trong các dự án BT (xây dựng - chuyển giao): ngang về giá trị của dự án BT với giá trị đất. "Làm sao tài sản công thanh toán phải ngang nhau về tiền và giá thị trường" - ông Đinh Tiến Dũng nói.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định, dẫn tới thiếu minh bạch, giảm sự cạnh tranh.
Ông Phong nêu: có dự án BT chỉ làm 1,39km đường nhưng Nhà nước đổi tới 100ha đất không qua đấu giá, để làm vốn đối ứng cho doanh nghiệp, "việc này không bảo đảm tính ngang giá, là kẽ hở thất thoát ngân sách nhà nước".
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nói: "Tôi khẳng định đã có lợi ích nhóm chứ không chỉ là biểu hiện nữa, bằng chứng là Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra dự án nào cũng có thất thoát, có vấn đề.
Chủ trương về các dự án BT đang có tình trạng trở thành miếng mồi béo bở cho doanh nghiệp và nhóm lợi ích".
Cũng vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định: "Thời gian qua các dự án BT khi được thực hiện thường đem lại cho các nhà đầu tư khoản lãi rất béo bở, nếu quy đổi thì đất nhà nước giao cho doanh nghiệp còn có khoảng cách lớn về giá trị chuyển đổi".
Nói với báo chí, ông Hòa cũng cho rằng việc tổ chức đấu thầu thời gian qua chưa hợp lý, hình thức, thậm chí có những nhà thầu bắt tay hợp tác với nhau để được trúng thầu.
Tỉ lệ giá trúng thầu thường rất thấp so với giá trị nguồn đầu tư họ đề ra, đây chính là bất hợp lý trong chỉ định thầu.
"Dù chưa có cơ sở để kết luận nhưng bên trong các dự án BT cũng có thể có tiêu cực và lợi ích nhóm giữa nhà đầu tư và người giao đất.
Mặc dù thời gian qua chưa có nơi nào phát hiện có tiêu cực nhưng theo tôi, nếu không có lợi ích nhóm thì không thể dễ dàng giao những mảnh đất có giá trị rất cao cho nhà đầu tư mà giá trị thu về lại rất thấp" - ông Hòa nói.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại hội trường và cũng nêu ví dụ: có dự án khi thực hiện thì doanh nghiệp được nhận 60ha đất - đổi lại doanh nghiệp làm cho Nhà nước một công trình trị giá khoảng 400 tỉ.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đầu tư theo hình thức BT, do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, chi phí phát sinh ngoài hợp đồng lên tới 11,5 triệu USD (khoảng 250 tỉ đồng) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Tuy nhiên khi dự án hoàn thành thì giá trị của lô đất mà doanh nghiệp được nhận (tăng) lên đến 2.000 tỉ đồng.
Để tránh tình trạng như vậy, ông cho biết Bộ Tài chính sẽ tiến hành áp dụng hình thức thanh toán ngang giá.
Ông cho biết lãnh đạo Chính phủ đã có thông báo cho tạm dừng thanh toán dự án BT bằng đất và giao Bộ Tài chính soạn thảo nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn dự án chuyển tiếp. Hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ để có quyết định cuối cùng.
Kẽ hở gây thất thoát lớn cho Nhà nước "Việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công. Qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Luật đất đai và là kẽ hở do định giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước. Việc giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát; công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện dự án". (Trích báo cáo của Kiểm toán Nhà nước) |
VIỄN SỰ - THÁI BÁ DŨNG