Vietstock - Sacombank quyết chiến mảng bán lẻ
Giữa thời kỳ bùng nổ của kỷ nguyên số, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) cho biết không ngừng đầu tư cho công nghệ để giành “miếng bánh lớn” trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Theo kết quả cuộc Tổng điều tra bán lẻ năm 2016 của PWC, trong số 23,000 người tại 25 quốc gia khác nhau được khảo sát, có 54% người cho biết họ sử dụng công nghệ để mua sắm hàng tuần, hàng tháng và 34% người đồng ý rằng điện thoại di động sẽ trở thành công cụ chính cho việc mua sắm. Điều này cho thấy, công nghệ cùng với các thiết bị di động trở thành con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp chạm tới người dùng.
Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trên, đồng thời đang chuyển dịch nhanh sang việc mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động. Hồi cuối năm 2016, Công ty nghiên cứu thị trường Criteo công bố kết quả khảo sát, cứ 10 người mua hàng trực tuyến ở Việt Nam thì có đến 7 người thông qua thiết bị di động. Trong đó, số lượng giao dịch thành công trên máy tính xách tay chiếm 43% còn điện thoại di động và máy tính bảng chiếm 40%.
Xu hướng trên sẽ chưa dừng lại ở Việt Nam khi các nhà mạng đang phủ sóng 4G ngày càng nhiều hơn, giúp cho việc kết nối internet thông qua máy tính xách tay hay điện thoại di động, máy tính bảng gần như không còn gặp hạn chế nào về không gian lẫn thời gian.
Cuộc đua quyết liệt
Theo Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có 70 tổ chức tín dụng triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet và có 35 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại. Năm 2016, số giao dịch tài chính qua internet là gần 126 triệu với tổng giá trị hơn 7 triệu tỷ đồng. Trong đó, lượng giao dịch tài chính qua điện thoại di động đạt gần 98 triệu với tổng giá trị trên 300,000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy những bước tiến về cải thiện và sử dụng công nghệ mới. Qua đó mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng liên tục đầu tư mạnh cho công nghệ nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ đột phá, đồng thời nâng cao tính an toàn, bảo mật cho những sản phẩm dịch vụ đang lưu hành. Điển hình như vừa qua Sacombank gây chú ý khi có thông tin sẽ cho ra mắt ứng dụng Chuyển tiền qua mạng xã hội (cài đặt trên điện thoại di động) cùng công nghệ thanh toán thẻ không tiếp xúc hay còn gọi là tiếp xúc tầm ngắn (NFC - Near field Communication). Tính năng này hứa hẹn việc thanh toán nhanh hơn nữa cho các giao dịch bán lẻ, nhất là trong điều kiện số lượng khách hàng có tài khoản thanh toán, sở hữu thẻ và các cửa hàng cài đặt máy POS của Sacombank là khá lớn.
Trước đó, Sacombank cũng để lại nhiều dấu ấn trên thị trường khi luôn chú trọng đầu tư công nghệ kỹ thuật bảo mật thông tin giao dịch thẻ với chuẩn bảo mật an ninh dữ liệu PCI DSS mà NHNN đang khuyến nghị các ngân hàng cần áp dụng, bảo mật giao dịch trực tuyến (3D- Secure), mã hóa thông tin số thẻ của khách hàng (Tokenization), ứng dụng thẻ chip thông minh (công nghệ EMV)…
Sacombank cũng đã cung cấp hàng loạt dịch vụ như: chuyển tiền trong - ngoài hệ thống, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ tín dụng, nạp tiền điện thoại, mua vé máy bay, bán ngoại tệ… Ngân hàng điện tử của Sacombank còn có các dịch vụ: Chuyển tiền đến thẻ Visa, Chuyển tiền - Nhận bằng di động, Mua thẻ trả trước phi vật lý, Sử dụng thẻ tín dụng và thẻ trả trước để thực hiện nhiều giao dịch, gửi tiền, vay tiền…
Bên cạnh đó, Sacombank cho biết cũng liên tục liên kết với nhiều tổ chức, doanh nghiệp để cho ra đời các sản phẩm dịch vụ công nghệ hiện đại theo sở thích, thói quen, nhu cầu người dùng như: thẻ MasterCard Travel dành cho khách hàng có nhu cầu du lịch, mua sắm, chữa bệnh ở nước ngoài; thẻ Visa Signature cho giới doanh nhân, khách hàng cao cấp với ưu đãi đặc biệt về đổi vé máy bay trực tiếp, Đăng ký mua ngoại tệ online cho doanh nghiệp…