Vietstock - Khách đến siêu thị tăng 'vũ bão', sao bảo vắng?
Có hơn 50% hộ gia đình thành thị chưa mua sắm tại kênh siêu thị
Mới đây trong báo cáo về Mô hình bán lẻ quy mô lớn, cơ hội tăng trưởng của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy nhu cầu về tiện lợi ngày càng tăng, mô hình đại siêu thị vẫn tăng trưởng tốt nhờ vào tần suất mua sắm và chi tiêu mỗi chuyến mua sắm tăng.
Tuy nhiên, vẫn có hơn 50% hộ gia đình thành thị chưa mua sắm tại kênh này. Công ty này cũng đặt câu hỏi liệu có phải là do địa điểm không thuận tiện?
Siêu thị vẫn hấp dẫn người tiêu dùng
Một số nhà bán lẻ cho rằng không rõ đơn vị nghiên cứu nghiên cứu ở khu vực nào chứ ở các thành phố lớn chắc là chưa chính xác. “Hiện nay khách đến siêu thị chúng tôi đông như “vũ bão”. “Thành thị” là những thành phố nào? 50% hộ gia đình chưa mua sắm như vậy là tăng hay giảm so với trước đây, là tín hiệu tích cực hay tiêu cực?...”, đại diện một siêu thị nước ngoài thắc mắc.
Đại diện siêu thị Emart (Hàn Quốc) cho biết trong sáu tháng đầu năm 2018 so với 2017 lượng khách đến mua sắm tăng 20% so với 2017. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe hơn là giá rẻ. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng không ít đi siêu thị hơn dù hiện nay hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh…
Cùng quan điểm trên, ông Đoàn Diệp Bình, Đại diện truyền thông của siêu thị Lotte Mart cho biết, ghi nhận tại Lotte Mart, lượng khách đến với Trung tâm thương mại và Đại siêu thị sáu tháng đầu năm 2018 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Bình thông tin thêm, dựa trên những số liệu có được cho thấy sức mua tại hệ thống siêu thị lớn không có xu hướng sụt giảm. Tuy số lần đi siêu thị có giảm xuống nhưng số lượng hàng hóa mỗi lần mua sắm lại tăng lên. Khách hàng có xu hướng hạn chế thời gian đi mua sắm trong tuần nhưng chi tiêu nhiều hơn cho mỗi lần mua sắm và vào dịp cuối tuần.
Siêu thị có nhiều lợi thế nếu biết phát huy
T.S Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ phân tích, sự tiện lợi phải hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là tiện lợi theo địa điểm và tiện lợi theo sản phẩm. Rõ ràng, tiện lợi theo địa điểm, tiêu dùng hàng ngày thì siêu thị không có lợi thế.
Trong khi đó, các cửa hàng tiện lợi, các hiệu tạp hoá, các chợ truyền thống ngay cạnh khu dân cư có lợi thế hơn. Như vậy, siêu thị sẽ phù hợp mua hàng tuần, tức là mua cuối tuần, vì có chổ để xe rộng rãi.
Sự tiện lợi về sản phẩm thì siêu thị tổng hợp không có lợi thế mà phải là siêu thị chuyên doanh. Chẳng hạn, khách hàng muốn mua sữa, sẽ đến siêu thị có đủ các loại sữa: sữa cho trẻ em, người lớn, người ốm... các sản phẩm liên quan đến sữa. Khách hàng sẽ không đến siêu thị mà chỉ có mấy chục hộp sữa…
“Qua đó, cho thấy các siêu thị sẽ phát huy được tính tiện lợi về hàng hoá, khi mà các cửa hàng tiện lợi do diện tích hẹp, không thể mở rộng được hàng hoá cả theo chiều rông và chiều sâu”, ông Khương nói.
Siêu thị phù hợp mua hàng tuần, tức là mua cuối tuần, vì có chổ để xe rộng rãi... Ảnh: Tú Uyên
|
Trong khi đó, ở góc độ nhà bán lẻ ông Đoàn Diệp Bình, Đại diện truyền thông của siêu thị Lotte Mart cho rằng một trong những điểm khó của siêu thị hiện tại là làm thế nào để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của khách hàng; Phát triển hệ thống giao nhận hàng hóa cũng như đồng bộ hóa hệ thống để nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Do đó, bên cạnh đáp ứng nhu cầu mua sắm tại các siêu thị lớn, việc khách hàng chú trọng đến tính tiện dụng trong việc mua sắm cũng tăng cao hơn. Vì vậy, Lotte Mart cho ra mắt ứng dụng mua sắm trực tuyến cho phép khách hàng mua sắm ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ đâu tại các khu vực thuộc 13 Trung tâm thương mại và đại siêu thị trên cả nước.
Đại diện Emart cũng cho biết cái khó của siêu thị trong quá trình phát triển kinh doanh hiện nay là việc tìm mặt bằng lớn để mở rộng kinh doanh.
“Tuy nhiên chúng tôi luôn thay đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng trong từng thời điểm nhằm đảm bảo sự mới lạ hấp dẫn người tiêu dùng. Hiện nay kênh mua sắm online Emartmall của Emart đang đáp ứng được cho những khách hàng ở xa Emart hoặc không có thời gian đến siêu thị mua sắm”, vị này cho hay.
Đại diện Kantar Worldpanel cho hay đối với các rào cản về mặt vị trí thường xa trung tâm, số lượng hạn chế so với các kênh khác. Siêu thị có thể khắc phục bằng cách đẩy mạnh online kết hợp giao hàng, hoặc kết hợp mở rộng các hình thức bán lẻ khác mới để mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng. Mặt khác, siêu thị hãy tập trung vào các thế mạnh của mô hình của mình như đa dạng chủng loại sản phẩm ngành hàng. Gia tăng tiện ích gồm free wifi, có nhiều hoạt động sự kiện sôi nổi thu hút, khu vui chơi dành cho trẻ em, giao hàng tận nhà…để tiếp tục cạnh tranh, là điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng. |
Tú Uyên