Vietstock - Giảm ngày càng mạnh, chứng khoán Trung Quốc rớt 2.5% và Hang Seng sụt gần 500 điểm
Chứng khoán châu Á rớt mạnh vào sáng ngày thứ Hai (08/07) sau khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo từ Mỹ (được công bố vào ngày 05/07) đã “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm hạ lãi suất.
Tính tới lúc 10h45 ngày thứ Hai (08/07 – giờ Việt Nam), trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 76.77 điểm (tương đương 2.55%).
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 485.33 điểm (tương đương 1.69%).
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lùi 198.02 điểm (tương đương 0.91%), còn Topix hạ 0.56%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h45 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt 41.25 điểm (tương đương 1.95%), khi hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong ngành là Samsung Electronics và SK Hynix giảm hơn 1.5%.
Chứng khoán Hàn Quốc và Nhật Bản diễn biến tiêu cực khi hai nước này vướng vào xung đột về lao động thời chiến tranh, trong đó Nhật Bản áp ràng buộc nghiêm ngặt hơn về việc xuất khẩu những nguyên vật liệu công nghệ cao tới Hàn Quốc – vốn được sử dụng trong màn hình và chip điện thoại thông minh.
“Kịch bản cơ sở của chúng tôi cho xung đột thương mại và mối quan hệ Nhật-Hàn là sẽ diễn biến tiêu cực”, Scott Seaman, Giám đốc khu vực châu Á tại Eurasia Group, viết trong một báo cáo. “Nói tóm lại, chúng tôi tin hai Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả ‘ăn miếng trả miếng’ trong ít nhất là vài tháng kế tiếp và điều này sẽ làm xấu đi mối quan hệ song phương”.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia giảm 74.7 điểm (tương đương 1.11%). Cổ phiếu của các công ty khai khoáng rớt mạnh vì thông tin về một cuộc điều tra về đà tăng của giá quặng sắt. Cổ phiếu Rio Tinto rớt 1.72% và BHP Billiton lao dốc 1.55%.
Báo cáo việc làm quá lạc quan
Tăng trưởng việc làm đã hồi phục mạnh trong tháng 6/2019, khi nền kinh tế Mỹ tạo thêm 224,000 việc làm giữa lúc xuất hiện lo ngại cả bức tranh việc làm và bức tranh tăng trưởng đang bắt đầu suy yếu. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lại tăng lên 3.7%.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 165,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3.6%. Tăng trưởng việc làm ảm đạm trong tháng 5/2019 đã làm dấy lên nỗi lo về sự bền vững của chuỗi tạo việc làm mới ấn tượng – vốn đã bắt đầu từ 1 thập kỷ trước. Được biết, trong tháng 5/2019, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 72,000 việc làm.
Dịch vụ nghề nghiệp và kinh doanh dẫn đầu đà tăng về số lượng việc làm với con số 51,000, trong khi y tế tạo thêm 35,000 việc làm, vận tải và hậu cần đóng góp 24,000 việc làm.
Thu nhập trung bình mỗi giờ làm việc lại gây thất vọng khi chỉ tăng 0.2% so với tháng trước, thấp hơn dự báo tăng trưởng 0.3%. Trong vòng 12 tháng qua, tiền lương chỉ tăng 3.1%, cũng thấp hơn ước tính 3.2%.
Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3.6% lên 3.6%, một thước đó bao quát hơn – có tính tới những người lao động nản lòng và những người khiếm dụng lao động – tăng lên 7.2%, vẫn quanh quẩn ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2001.
Nhìn chung, báo cáo việc làm góp phần xoa dịu nỗi lo sợ rằng thị trường lao động đang suy yếu. Một báo cáo trước đó từ ADP và Moody’s Analytics báo hiệu số lượng việc làm mới chỉ tăng 102,000 việc làm.
Các cuộc tranh luận về lộ trình chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển từ Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu vào cuối tháng này sang liệu cơ quan này có còn hạ lãi suất nữa hay không khi mà Mỹ công bố báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo rất nhiều.
“Báo cáo việc làm lạc quan đã ‘dội gáo nước lạnh’ vào kỳ vọng Fed hạ lãi suất và đập tan trnah luận Fed giảm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Cuộc tranh luận đã chuyển từ 1 đợt hạ lãi suất 25 hoặc 50 điểm cơ bản sang giảm 25 điểm cơ bản hoặc không giảm”, Rodrigo Catril, Chiến lược gia giao dịch ngoại hối cấp cao tại National Australia Bank, viết trong một báo cáo.
Dù vậy, Catril cho biết, Fed có thể thực hiện một vài đợt hạ lãi suất mang tính phòng ngừa vào tháng 7 và tháng 9/2019.
Vũ Hạo (Theo CNBC)