Vietstock - Không để thiếu điện trong năm 2019
Ngày 3-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019. Tối cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG
|
3 trọng tâm của tháng cuối năm
Dẫn nội dung phiên họp của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thảo luận một số vấn đề nổi cộm, cần sớm giải quyết, trong đó có vấn đề giải quyết khiếu kiện của nhân dân. Tại phiên họp, Thủ tướng thông báo đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phụ trách, cùng sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm hiện nay. Trong đó có thành viên là bí thư, chủ tịch các tỉnh có người dân khiếu kiện kéo dài. Thủ tướng yêu cầu không để khiếu kiện kéo dài vượt cấp, trong tháng 12 giải quyết để dịp Tết cổ truyền bà con không phải kéo ra Hà Nội khiếu kiện. “Vấn đề này cơ bản của địa phương nhưng chúng ta phải giải quyết, không để tình hình nghiêm trọng, phải kiểm điểm làm rõ, xử lý dứt điểm vấn đề đó”, Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng khẳng định, năm 2018 chúng ta hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu kế hoạch đã đề ra và phần lớn chỉ tiêu đạt mức cao hơn đã báo cáo Quốc hội, qua đó, tạo tiền đề thuận lợi vững chắc cho năm 2019. Chỉ còn một tháng nữa kết thúc năm 2018, Thủ tướng đề nghị làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12 này. Thứ nhất, các bộ ngành, địa phương chuẩn bị kỹ, làm tốt nhiệm vụ tổng kết năm 2018 theo tinh thần tránh bệnh thành tích, đánh giá thực chất, không phô trương, nêu rõ các tồn tại, bất cập, nguyên nhân, kinh nghiệm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2019. Thứ hai là xây dựng Nghị quyết 01 với tinh thần cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, do đó, nội dung phải cụ thể, bám sát chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Quốc hội giao. Chỉ tiêu Chính phủ giao trong nghị quyết phải mang tính phấn đấu ở mức cao hơn. Ví dụ, mục tiêu tăng trưởng măm 2019 phấn đấu đạt 6,8%, tức là ở cận trên mức Quốc hội đã thông qua (từ 6,6% - 6,8%). Thứ ba, trong tháng 12, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội thị trường tăng mạnh dịp cuối năm và giáp tết; đồng thời chú trọng lo tết cho nhân dân.
Thủ tướng cũng lưu ý việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đặc biệt là thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tổ điều hành giá và các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ phương án giá điện, giá dịch vụ y tế… với mức độ điều chỉnh và thời điểm phù hợp. Thủ tướng cũng nhắc xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, nhất là vào dịp tết, bởi vừa qua Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố.
Xây dựng các kịch bản cung cấp điện
Theo ông Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh về vấn đề cung ứng điện. “Tôi đã viết nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Các đồng chí Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần chỉ đạo về vấn đề này. Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng mất điện. Không được để thiếu điện trong năm 2019”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2017, EVN lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu bán điện của EVN năm 2017 gần 290.000 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện là hơn 291.300 tỷ đồng. Song, EVN có một số khoản thu nhập kinh doanh khác như tiền gửi ngân hàng, hợp tác kinh doanh trong ngành điện và hơn 5.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá từ các năm khác chưa được phân bổ. Nếu cộng các đầu thu, chi và khoản chênh lệch tỷ giá thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng.
Năm 2018 không tăng giá điện nhưng hiện có thực tế nhiều hồ thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên bị khô hạn, có thể gây ảnh hưởng đến việc cấp điện. Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN xây dựng các kịch bản cung cấp điện chi tiết. Qua tính toán, cả 4 phương án đều cho thấy hệ thống sẽ cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể phải huy động điện từ dầu, vì thế có thể bị đắt hơn. Về giá điện năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kịch bản điều hành sẽ được báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giá vào tháng 12. Trên cơ sở góp ý tại đây, Bộ Công thương sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ. “Giá điện năm tới sẽ được xem xét kỹ và xây dựng kịch bản theo đúng quy định, trong đó có vấn đề tác động đến lạm phát”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Về chuyện thiếu than cho điện, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Than Đông Bắc đã cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết. Năm 2018, TKV khai thác 28,9 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Còn Tổng công ty Than Đông Bắc cũng khai thác 5 triệu tấn than, tăng 15% so với 2017. Tuy nhiên, do lượng nước thiếu hụt nên ảnh hưởng đến điện, giá than cũng cao nên các doanh nghiệp không mặn mà nhập khẩu. Nếu trong nước không đủ than thì tới đây phải nhập khẩu than, bảo đảm đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất.
* Liên quan đến việc khởi tố, bắt giam cựu Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 29-11 cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp. Cả 4 bị khởi tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Trả lời về việc thông tin bắt giữ ông Trần Bắc Hà đã có trên mạng xã hội từ trước đó, Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định, Bộ Công an không thông tin chậm trễ việc khởi tố các vụ án, trong đó có vụ án liên quan tới ông Trần Bắc Hà. Bộ Công an làm theo pháp luật. “Những thông tin trên mạng xã hội là thông tin không chính thống, như vụ bắt ông Hà trước đó cũng có nhiều thông tin khác nhau làm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, ngân hàng”, Thiếu tướng Lương Tam Quang nói, và nhấn mạnh, cổng thông tin Bộ Công an là nơi đăng tải chính thức các thông tin liên quan tới việc khởi tố vụ án.
* Với vụ việc máy bay Vietjet (HM:VJC) Air rơi bánh ở Buôn Ma Thuột mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho rằng, máy bay gặp sự cố được hãng Vietjet nhận vào ngày 15-11, ngày 29-11 khai thác, tức mới hơn 2 tuần. Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, tổ điều tra đã được thành lập để làm rõ vụ việc. Hiện hộp đen được niêm phong. Tổ điều tra kết hợp với nhà sản xuất Airbus đang làm thủ tục cần thiết, kiểm tra hộp đen và việc này cần thời gian. “Theo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, chỉ khi nào điều tra của quốc gia xảy ra sự cố và nhà sản xuất không kết luận được, không rõ ràng thì mới phải thuê cơ quan độc lập để làm”, ông Nguyễn Nhật nói. |
Bộ GTVT đã xin ý kiến các cơ quan về tuyến Metro số 1 của TPHCM
Liên quan đến dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, mới đây, Đại sứ Nhật Bản đã gửi thư cho lãnh đạo TPHCM và Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan ngại việc chậm giải ngân dự án. Đại sứ Nhật Bản cho rằng, hiện thủ tục thanh toán cho các nhà thầu không có tiến triển và số tiền chậm thanh toán cho đơn vị thi công, tư vấn đã hơn 100 triệu USD. “Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công” - thư viết.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nhật Bản cũng đề nghị TPHCM giao các sở ngành liên quan, đặc biệt là Ban quản lý đường sắt đô thị sớm ký lại hợp đồng tư vấn quản lý thi công với liên danh NJPT do đã hết thời hạn hợp đồng vào tháng 4-2017. Việc hợp đồng chưa được sửa đổi khiến tư vấn phải thực hiện công việc mà không được chi trả thù lao trong 19 tháng qua. Số tiền chậm thanh toán cho liên danh này đã lên đến 20 triệu USD.
Tối 3-12, tại cuộc họp báo Chính phủ, nói về dự án này, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, dự án được TPHCM phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.388 tỷ đồng (gồm vốn ODA, vốn đối ứng trong nước). Sau khi phê duyệt, TPHCM đã mời tư vấn thẩm định độc lập, lấy ý kiến của nhà tài trợ ODA, các bộ, cơ quan và Thủ tướng. Năm 2011, TPHCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng. Theo nghị quyết của Quốc hội, tổng mức đầu tư đó đưa dự án vào nhóm đặc biệt quan trọng của quốc gia, phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, TPHCM báo cáo Chính phủ, và Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết theo đề nghị của TPHCM. Hiện Bộ GTVT đã báo cáo, xin ý kiến các bộ ngành liên quan về dự án này.
Theo ông Mai Tiến Dũng, thư của Đại sứ Nhật Bản gửi cho lãnh đạo TPHCM và Thủ tướng bày tỏ lo ngại nếu để lâu thì việc thanh toán nhà thầu sẽ khó khăn. Nhưng với số tiền 17.388 tỷ đồng đến nay đã giải ngân được 13.630 tỷ đồng, số còn lại không phải là quá nhiều.
PHAN THẢO - LÂM NGUYÊN