Vietstock - Tăng trưởng doanh số smartphone toàn cầu đã chậm lại?
Sau nhiều năm tăng trưởng tràn lan, thị trường smartphone toàn cầu đang chậm lại khi người tiêu dùng chờ đợi tính năng thay đổi cuộc chơi tiếp theo. Đó là tin xấu cho những gã khổng lồ của ngành công nghiệp công nghệ, kể cả Apple và Samsung, cũng như những “kẻ thách thức” đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei. Mặc dù ngành này đã dừng tăng trưởng, nhưng nó vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu với doanh số smartphone đạt 458 tỷ USD trong năm 2017.
1. Ngành công nghiệp smartphone đã phát triển như thế nào?
Dù Apple không phát minh ra smartphone, nhưng họ chắc chắn là công ty khởi nguồn cho kỷ nguyên hiện đại của các thiết bị kết nối web bằng chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Vào năm tiếp theo, thiết bị Android đầu tiên được trình làng và kỷ nguyên tăng trưởng nhanh bắt đầu.
Theo số liệu của IDC, vào năm 2013, số lượng smartphone bán ra tăng 40%, nhưng năm 2014 tốc độ tăng trưởng đó đã chậm lại, chỉ còn 28%, và 2017 là năm đầu tiên cho thấy sự sụt giảm, khi thị trường bị thu hẹp 2.5% - phần lớn do số lượng bán ra ở Trung Quốc không còn được như xưa.
2. Điều gì đã thúc đẩy sự tăng trưởng này?
Đó là sự kết hợp của công nghệ và nhân khẩu học.
Khi iPhone lần đầu tiên được tung ra thị trường, nó sử dụng các mạng không dây hiện có, mà hầu hết trong số đó vẫn còn theo những tiêu chuẩn thế hệ thứ hai, vốn là điều tiếp thêm sức mạnh cho các điện thoại tính năng kiểu cũ. Khi mạng không dây được chuyển sang mạng thế hệ thứ ba và thứ tư, với tốc độ tải video, ứng dụng và các nội dung khác nhanh hơn, thế là người tiêu dùng lại có xu hướng nâng cấp. Các nhà sản xuất cũng đổi mới theo phong cách ấn tượng hơn như thêm công nghệ vân tay, camera cải tiến, màn hình độ phân giải cao, trợ lý kỹ thuật số và màn hình lớn hơn để thu hút người tiêu dùng.
Một yếu tố quan trọng khác là nhân khẩu học: Vì đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đều đã công nghiệp hóa nên thu nhập của người dân được tăng lên, hàng trăm triệu người tiêu dùng nhanh chóng thấy rằng họ có khả năng mua một chiếc smartphone để được kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài.
3. Tại sao tăng trưởng đang chậm lại?
Có rất ít đổi mới công nghệ lớn “sống sót” được lâu. Những mẫu điện thoại “phải có” liên tục xuất hiện, khiến mọi người nhanh chóng đổi các thiết bị xài chưa được 1 năm có giá 800 USD của mình bằng một thiết bị khác có giá cao hơn. Điện thoại cũng đang trở nên tốt hơn - màn hình và vỏ chắc chắn hơn, sức mạnh xử lý nhanh hơn và dung lượng bộ nhớ lớn hơn. Tất cả những điều đó khiến cho chiếc điện thoại có ích lâu hơn, trước khi nó trở nên quan trọng hơn cái chặn giấy một chút.
4. Thế thì chỉ là chuyện tính năng?
Đó cũng còn là chuyện thị trường đã “chín muồi”. Sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt, hầu hết người Trung Quốc đều có smartphone, điều đó nghĩa là hiện không có một lượng lớn nhu cầu chưa được khai thác - tương tự ở các nước phương Tây, nơi smartphone đã đạt đến mức bão hòa. Dù vẫn còn một lượng nhỏ người dùng sẽ xếp hàng vào mỗi tháng 9 để có được chiếc iPhone mới nhất, nhưng số người vui vẻ gắn bó với chiếc điện thoại của họ cho đến khi nó ngừng hoạt động lại nhiều hơn.
5. Còn tương lai thì sao?
IDC cho rằng thị trường này sẽ lại “đi thụt lùi” trong năm 2018, mặc dù chỉ 0.2% - đánh dấu hai năm sụt giảm liên tiếp. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi Trung Quốc, nơi mà nhu cầu đang giảm, với các dấu hiệu bão hòa và mọi người gắn bó với các thiết bị của họ lâu hơn. Theo IDC, từ năm 2019, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ trở lại nhưng với tốc độ hàng năm chỉ khoảng 3%, và sẽ tiếp tục như thế đến năm 2022.
6. Sẽ cần gì để xoay chuyển tình thế?
Việc triển khai 5G sẽ giúp thúc đẩy vì người tiêu dùng tìm cách có được các thiết bị có thể tải xuống những bộ phim dài chỉ trong vài giây. IDC kỳ vọng các thiết bị 5G thương mại sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2019, với sự gia tăng đáng kể hơn vào năm 2020.
Dù Trung Quốc chắc chắn đã bão hòa, nhưng tỷ lệ người có smartphone ở Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh – nghĩa là hơn một nửa dân số của Trái đất - vẫn còn thấp.
Những cải tiến mới cũng có thể cung cấp chất xúc tác. Tuy rằng Samsung đã cố gắng biến “màn hình có thể gập lại” thành hiện thực, và làm cho chiếc điện thoại thành máy tính bảng, nhưng một thiết kế toàn diện vẫn chưa được tung ra. Một bước nhảy vọt trong công nghệ pin là một sự thay đổi khác có thể thu hút những người dùng đã chán ngấy với việc luôn phải tìm kiếm một ổ cắm điện. Cho đến nay, thực tế ảo và thực tế tăng cường chỉ xuất hiện hạn chế trên smartphone, nhưng khi bộ xử lý trở nên mạnh mẽ hơn, thì cơ hội dành cho nội dung và tính năng mới có thể làm tăng nhu cầu.
Nhã Thanh (Theo Bloomberg)