Vietstock - 8 công ty lớn sẵn sàng rời Trung Quốc vì chiến tranh thương mại
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết đã sẵn sàng để di dời chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc nếu như chi phí nhập khẩu hàng hoá từ nước này trở nên đắt đỏ hơn.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
|
Hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, nối tiếp đợt áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc trước đó. Ông Trump cũng doạ sẽ tăng thuế lên 25% vào đầu năm sau, và mở rộng áp thuế lên tất cả hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ - tương đương 531 tỷ USD hàng hoá. Dưới đây là những chia sẻ về ý định đưa công ty rời Trung Quốc của lãnh đạo nhiều công ty lớn, theo ghi nhận của Bloomberg.
Công ty Đường sắt Quốc gia Canada
"Các nhà máy, đặt biệt là cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ có thể di rời rất nhanh chóng. Và nhiều trong số đó đã rút khỏi Trung Quốc. Họ đang chuyển tới Việt Nam, Bangladesh, Indonesia. Sản phẩm của họ đã và đang được sản xuất ở các quốc gia khác", Jean-Jacques Ruest, CEO của Công ty Đường sắt Quốc gia Canada cho biết. "Nhìn chung, chúng tôi rất lạc quan về thương mại tại châu Á - thương mại xuyên Thái Bình Dương từ châu Á đến Bắc Mỹ trong năm 2019. Nhưng nó có thể sẽ đến từ các quốc gia khác (ngoài Trung Quốc) hoặc các hải cảng khác".
Pentair Plc
"Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể chuỗi cung ứng và tìm kiếm các cơ hội để thay đổi nhằm giảm tác động của các loại thuế quan trong dài hạn", Mark Borin, Giám đốc tài chính của nhà sản xuất thiết bị kiểm soát ô nhiễm Pentair Plc có trụ sở tại bang Minnesota (Mỹ) cho biết. "Hiện chúng tôi có một nhà máy ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động ở đó và xem xét các phương thức cơ cấu lại chuỗi cung ứng của mình".
Logitech International SA
Bracken Darrell - CEO của Logitech International SA.
|
Theo Bracken Darrell, CEO của nhà sản xuất thiết bị đầu vào máy tính Thuỵ Sĩ Logitech International SA, việc di chuyển hoạt động sản xuất của các dòng sản phẩm giữa các nhà máy trong và ngoài Trung Quốc là điều không hề khó.
"Khi cần chuyển hoạt động sản xuất của một dòng sản phẩm - như trong trường hợp này là ra khỏi Trung Quốc hoàn toàn, chúng tôi có thừa khả năng để làm", ông Darrell nói. "Chúng tôi có đội ngũ nhân sự và nhiều kinh nghiệm để làm việc này".
Lennox International Inc.
"Chúng tôi đang chủ động hành động", Todd Bluedorn, CEO của công ty cung cấp sản phẩm kiểm soát thời tiết Lennox International Inc. có trụ sở tại Texas, Mỹ cho biết. "Tôi cho rằng thuế quan của Trung Quốc sẽ không chỉ áp trong ngắn hạn. Và chúng tôi đang hành động để tránh thuế bằng việc chuyển hoạt động sang Đông Nam Á và các quốc gia có chi phí rẻ đáp ứng yêu cầu của chúng tôi".
Philips
Frans van Houten - CEO của Philips.
|
"Chúng tôi rất nhiều phương thức để giảm thiểu tác động (của thuế quan)", Frans van Houten, CEO của hãng thiết bị chăm sóc sức khoẻ và chiếu sáng Hà Lan Philips cho biết. "Một trong số đó là sắp xếp lại chuỗi cung ứng của chúng tôi. Đây có vẻ là biện pháp dễ nhất bởi chúng tôi đang có cơ sở sản xuất tại Mỹ, châu Âu và châu Á với tỷ lệ mỗi nơi một phần ba".
Vicor Corp.
"Chi phí cho việc di dời sản xuất là không đáng kể nếu so với lượng hàng hoá đang được nhập về từ Trung Quốc", James Simms, Giám đốc tài chính của hãng sản xuất thiết bị chuyển đổi điện năng Vicor Corp. - có trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ) cho biết. "Chúng tôi đang tìm các nhà cung cấp thay thế ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng gửi yêu cầu tới chính phủ Mỹ về việc miễn trừ thuế quan đối với một lượng hàng hoá nhất định mà chúng tôi không có nhà cung cấp thay thế Trung Quốc".
Skechers USA Inc.
David Weinberg, CEO của Skechers USA Inc.
|
"Chúng tôi có đủ khả năng rời khỏi Trung Quốc. Chúng tôi đang tìm kiếm những nơi tốt về chất lượng sản xuất lẫn chi phí trên khắp thế giới", David Weinberg, CEO của công ty giày Mỹ Skechers USA Inc. - có trụ sở tại California, nói. "Chúng tôi đang phân chia sản xuất các dòng sản phẩm khác nhau tại các quốc gia khác nhau tuỳ thuộc vào nhu cầu".
The Tile Shop
"Trước tình hình thuế nhập khẩu của Trung Quốc, chúng tôi đang chuẩn bị di dời. Hiện tại, gần 50% hàng hoá của chúng tôi được sản xuất tại châu Á. Mục tiêu của tôi là đưa tỷ lệ này xuống 25% hoặc thậm chí thấp hơn và khả năng đạt được mục tiêu này là rất lớn", Robert Rucker, CEO của hãng bán lẻ gạch đá có trụ sở tại bang Minnesota (Mỹ) cho biết. "Chúng tôi sẽ không đợi mà đang bắt đầu hành động".
Ngọc Trang