Đại án Phạm Công Danh - giai đoạn 2
Vietstock - Nếu 4,500 tỷ đồng tăng vốn đã hòa chung vào dòng tiền, Ngân hàng Xây dựng đang thiệt hại hay hưởng lợi?
Về số tiền 4,500 tăng vốn mà bản chất chủ yếu là khoản vay tại BIDV, VNCB đã sử dụng hết số tiền đó mà không hề trả lại cho những người nộp tiền khi không được NHNN chấp thuận tăng vốn, trong khi đó VNCB lại đề xuất các bị cáo phải trả lại số tiền đó. Vậy thì VNCB đang thiệt hại hay hưởng lợi, nếu hưởng lợi thì là hưởng lợi kép?
Trong phiên tranh luận chiều ngày 22/11, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại khoản thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng (CB, trước là VNCB). Về khoản tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, luật sư nhắc lại quan điểm của Viện kiểm sát trước đó đề cập đến việc Ngân hàng Xây dựng cho rằng 4,500 tỷ đồng này đã được hòa chung vào dòng tiền.
Luật sư khẳng định, số tiền 4,500 tỷ đồng đến hôm nay không cần phải thẩm định nữa mà chắc chắn nằm trong VNCB ngày đó và CB bây giờ. “Đây không phải một số tiền nhỏ mà dễ dàng biến mất, dễ dàng hòa tan. Ngân hàng có báo cáo tài chính, có kiểm toán, có các cơ quan Nhà nước quản lý số tiền ấy. Về việc hạch toán, Ngân hàng Xây dựng đã có báo cáo NHNN và chưa nhận được chỉ đạo”, luật sư nói.
Tại phiên tòa, luật sư đọc công văn ngày 18/07/2016 của Ban kiểm soát đặc biệt VNCB gửi NHNN. Công văn này đề cập vốn điều lệ trước kiểm toán của VNCB là 7,500 tỷ đồng, sau kiểm toán là 3,000 tỷ đồng và đang chờ chỉ đạo của NHNN về số tiền chênh lệch. Như vậy, “tiền vẫn ở đây”. Cho đến thời điểm 29/04/2014, số tiền 4,500 tỷ đồng đã được chuyển đầy đủ vào tài khoản VNCB mở tại NHNN.
Theo quan điểm của luật sư, trong quan hệ nộp tiền mua cổ phần tăng vốn điều lệ, ngân hàng chỉ là người tạm thời quản lý, không phải là chủ sở hữu khoản tiền này. Trường hợp ngân hàng không được phép tăng vốn, về mặt nguyên tắc phải trả lại cho các cổ đông góp vốn, về mặt tài chính phải hạch toán trên khoản mục các khoản phải trả. Vì vậy, Ngân hàng Xây dựng cho rằng 4,500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung và được sử dụng hết là không có cơ sở, là trái quy định của pháp luật (cả về pháp lý và hạch toán tài chính), là xâm phạm quyền lợi chính đáng của những người góp tiền.
Căn cứ đường đi của dòng tiền từ 14/02 đến 26/07/2014 theo số liệu tài chính Ngân hàng Xây dựng trước đó đã cung cấp, toàn bộ dòng tiền của Ngân hàng và các khoản mà VNCB đã sử dụng không liên quan gì đến 4,500 tỷ đồng này.
Luật sư đặt câu hỏi: Nếu hòa chung dòng tiền trong khoản vay với BIDV thì VNCB thực sự bị thiệt hại hay được lợi?
Xét trên khía cạnh dòng tiền, cả về dòng tiền vào và dòng tiền ra, VNCB chỉ mất hơn 3,070 tỷ bảo lãnh cho 12 công ty vay vốn tại BIDV nhưng lại thu được 4,500 tỷ đồng. Vậy thử hỏi có thiệt hại hay không?
Đây là quan điểm của luật sư trong trường hợp chấp nhận hòa chung dòng tiền. Nếu chứng minh được các bị cáo đã sử dụng số tiền này cho chính Ngân hàng, VNCB được sử dụng tiền thì phải trả lại số tiền đó. Còn nếu VNCB đã sử dụng số tiền đó, không hề trả lại mà lại đề xuất các bị cáo phải trả lại số tiến đó thì chẳng phải VNCB được hưởng lợi kép?
Vì lý do gì Phạm Công Danh lại vay nhiều tiền đến thế?
Luật sư bào chữa cho rằng trả lời được câu hỏi này sẽ làm rõ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của vụ án. Vì lý do gì mà ông chủ của một tập đoàn lớn lại đi vay nhiều tiền đến thế?
Theo luật sư, nếu câu hỏi này không được trả lời thấu đáo, toàn diện thì nhiều người sẽ nghĩ rằng bị cáo Danh đi vay tiền để tư lợi cho mục đích cá nhân, phục vụ riêng cho Tập đoàn Thiên Thanh của bị cáo. Như vậy, thì bản chất của vụ án này sẽ bị hiểu sai.
Trên quan điểm của luật sư, quyết định mua lại Ngân hàng Đại Tín là khởi nguồn của mọi vấn đề. Mặc dù đã chuyển trả 3,600 tỷ đồng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn nhưng Phạm Công Danh còn phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để chăm sóc khách hàng, bảo đảm thanh khoản, nhất là số tiền khổng lồ phải chi trả cho nhóm ông Trần Quý Thanh. Ngoài ra, bị cáo còn phải huy động thêm các nguồn tài chính khác để tăng vốn điều lệ.
Kết lại, luật sư khẳng định đúng là Phạm Công Danh có nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành; tuy nhiên căn cứ hồ sơ vụ án, tất cả các việc làm để cứu Ngân hàng Xây dựng, thậm chí phải sử dụng rất nhiều tài sản cá nhân. Luật sư đề nghị HĐXX phải xem xét lại toàn bộ nguyên nhân, bối cảnh xảy ra sai phạm để cảm thông với các bị cáo.
Thu Phong