Vietstock - Nhà máy lọc dầu tỉ đô: Xin giảm vốn nhưng… tăng diện tích
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định nếu chủ đầu tư dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô không triển khai dự án như cam kết sẽ xin ý kiến Thủ tướng để thu hồi dự án.
Chiều 6-12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức cuộc họp giao ban báo chí tháng 11-2017. Nội dung được nhiều nhà báo quan tâm liên quan đến sự tồn tại của dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô.
Thông tin tại cuộc họp, ông Trần Thiện Kim, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Phú Yên, cho biết dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 8 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 3,2 tỉ USD. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án không đúng theo giấy chứng nhận đầu tư.
Trước tình hình này, ngày 27-10 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp với nhà đầu tư về nội dung liên quan đến việc triển khai dự án. Tại cuộc họp này, nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn. Trong đó phân kỳ 1 sử dụng dầu thô nặng để sản xuất sản phẩm bitum chất lượng cao và nhiên liệu hàng hải với quy mô 1 triệu tấn/năm, đưa vào vận hành cuối năm 2019. Phân kỳ 2, 3, 4 lần lượt sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp, vận hành trước năm 2028. Dù vậy, UBND tỉnh Phú Yên không thống nhất đề xuất này, yêu cầu nhà đầu tư trong tháng 11-2017 phải chứng minh được việc góp đủ vốn chủ sở hữu theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vay vốn của các tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ. Nếu đến hết tháng 11-2017, nhà đầu tư không chứng minh được yêu cầu của tỉnh thì UBND tỉnh Phú Yên sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét.
Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô động thổ rồi để đó
|
Không đợi đến cuối tháng, ngày 3-11, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô nộp hồ sơ xin điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô tại Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên. Theo đó, nhà đầu tư này đề nghị điều chỉnh các nội dung về người đại diện pháp luật, mục tiêu dự án; điều chỉnh theo hướng phân kỳ công suất các sản phẩm, bổ sung các sản phẩm naphtha, nhiên liệu hàng hải, bitum và thay đổi công suất các sản phẩm khác.
Đặc biệt nhà đầu tư đề xuất bổ sung thêm hơn 185 ha, trong khi tổng vốn đầu tư dự án giảm xuống từ 3,18 tỉ USD xuống còn 1,57 tỉ USD. Trái lại thời gian hoạt động dự án đề xuất tăng từ 50 năm lên 70 năm.
Yêu cầu của chủ đầu tư đã không được đáp ứng. Cụ thể theo ông Trần Thiện Kim, ngày 23-11, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở KH-ĐT Phú Yên, không xử lý hồ sơ xin điều chỉnh và đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng yêu cầu của tỉnh Phú Yên trước đây. Cũng theo ông Kim, tính đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu của UBND tỉnh Phú Yên. "Chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, báo cáo UBND tỉnh Phú Yên để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về dự án này" - ông Kim nhấn mạnh.