Vietstock - Tăng thuế, phải trên cơ sở khoa học
Có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Bộ Tài chính. Do vậy, để tạo sự đồng thuận, cần có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động cụ thể làm cơ sở sửa luật thuế.
Lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra khi đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% là do mức hiện hành tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc tăng thuế GTGT là chưa phù hợp.
Nói có sách, mách có chứng
Theo nhiều chuyên gia, tăng thuế dẫn đến tăng giá làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, tăng gánh nặng thuế lên người tiêu dùng, không phù hợp với bản chất thuế GTGT là thuế lũy thoái (tỉ trọng thuế GTGT trong tổng thu ngân sách phải theo xu hướng giảm)...
Để làm rõ hơn việc tăng thuế GTGT thế nào là phù hợp, cần dựa trên cơ sở khoa học qua phân tích vấn đề ở hai góc nhìn, đó là góc nhìn luật học và góc nhìn kinh tế học.
Do bản chất của thuế là khoản điều tiết thu nhập của công dân, nên cần phải được sự ưng thuận của mọi công dân, phải được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, do có một số quan điểm trái chiều, nên để việc sửa Luật thuế GTGT được thông qua một cách thuyết phục và đi vào lòng dân, nên chăng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu khoa học đánh giá tác động của việc tăng thuế, đó chính là việc xem xét dưới góc nhìn luật học.
Còn dưới góc nhìn kinh tế học, việc đánh thuế phải tính đến những ảnh hưởng của nó về kinh tế và đó là bài toán cần hết sức cân nhắc. Bởi một khi đã tăng thuế, điều khó tránh khỏi là "không đụng chén, cũng đụng ly".
Ở đây, hiểu đơn giản là không ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Ảnh hưởng thế nào, cần phải có khảo sát, đánh giá hết sức khoa học, nói có sách, mách có chứng, không thể dựa vào cảm tính.
Phải đánh giá tác động của tăng thuế
Như trên đã nói, tình huống "đụng chén" ở đây là nếu thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ có đường cầu không co dãn (một khái niệm trong kinh tế học, tức những mặt hàng thiết yếu mà mọi người luôn có nhu cầu tiêu dùng, đều phải mua dù giá cả thế nào), khi tăng thuế sẽ dẫn đến tăng giá và người tiêu dùng gánh chịu.
Còn tình huống "đụng ly" ở đây là nếu thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ có đường cầu co dãn (những mặt hàng mà khi giá tăng, người tiêu dùng có thể giảm tiêu xài hoặc ngược lại) thì khi tăng thuế sẽ dẫn đến nhu cầu giảm và gánh nặng thuế phần lớn do người sản xuất gánh chịu.
Hậu quả là sản xuất giảm, tạo ra hiệu quả kinh tế cho xã hội giảm và nguồn thu ngân sách vì thế cũng giảm đi.
Từ bài toán kinh tế nêu trên, Bộ Tài chính nên tổ chức nghiên cứu khoa học đánh giá tác động của việc tăng thuế theo hướng:
Thứ nhất, điều chỉnh một số hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 6% như phân bón (trước đây đã điều chỉnh từ hàng hóa, dịch vụ thuế suất 5% thành hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT).
Nếu đây là hàng hóa có đường cầu không co dãn, trước đây đã điều chỉnh giảm thuế GTGT, người nông dân được hưởng lợi hay người sản xuất, người nhập khẩu được hưởng lợi? Nay, nếu điều chỉnh tăng thuế GTGT, gánh nặng có rơi vào người nông dân hay không?
Thứ hai, khi áp dụng thuế suất 12% với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hằng ngày của người dân như vải, quần áo... phải xem lại nếu đây là hàng hóa có đường cầu không co dãn, khi tăng thuế sẽ dẫn đến tăng giá và gánh nặng thuế phần lớn do người tiêu dùng gánh chịu, tạo thêm phân hóa giàu nghèo, không phù hợp mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh".
Thứ ba, khi áp dụng thuế suất GTGT 12% với các hàng hóa, dịch vụ còn lại, nếu đây là hàng hóa có đường cầu co dãn cao, cần có sự đánh giá tác động khi tăng thuế sẽ dẫn đến gánh nặng thuế thuộc về người sản xuất là bao nhiêu và người tiêu dùng là bao nhiêu./.