Vietstock - Đừng để công nhân sống chật vật
Tiền lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi giúp người lao động ổn định cuộc sống và có tích lũy
>>> Công nhân đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình
Một nghiên cứu mới đây do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Công nhân (CN) và Công đoàn (CĐ)- Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện tại 6 doanh nghiệp (DN) may cho thấy tiền lương không đủ sống đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với các CN và gia đình họ. Vẫn còn nhiều CN đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí rơi vào vòng xoáy nợ nần. Phác thảo sơ bộ trên cho thấy đời sống CN, đặc biệt là CN ngành dệt may, giày da, còn nhiều khó khăn.
Đãi ngộ tốt để giữ người
Tại hội nghị đối thoại định kỳ diễn ra vào trung tuần tháng 3-2019, được hỏi vì sao lại đồng ý đưa các khoản phụ cấp (chuyên cần, nhà trọ, đi lại, tay nghề) vào lương cơ bản (LCB) theo đề xuất của CĐ cơ sở, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Công ty TNHH Đình Bách (tỉnh Bình Dương), không ngần ngại trả lời: "Đưa các khoản phụ cấp vào LCB đồng nghĩa với chi phí trích nộp BHXH, BHYT sẽ tăng, song điều đó với tôi không quan trọng. Mức lương tối thiểu hiện tại quá thấp nên CN khó lòng ổn định cuộc sống, do vậy cải thiện thu nhập và phúc lợi là cách động viên họ an tâm làm việc".
Mức LCB của gần 150 lao động hiện nay là 4 triệu đồng/tháng và nếu cộng thêm các khoản phụ cấp (tổng cộng 650.000 đồng) thì sẽ tăng lên 4,65 triệu đồng. Với tập thể CN, đây là tin vui bởi quyền lợi khi tăng ca và các chế độ khác cũng sẽ được cải thiện. Ông Bách cho biết thêm, trước đây, các khoản phụ cấp nói trên đã được DN chi trả cho CN nhưng không đưa vào LCB. Từ quý III/2018, khi tình hình đơn hàng dồi dào và việc làm của CN ổn định hơn, CĐ cơ sở đã đề xuất đưa các khoản phụ cấp nói trên vào LCB để khuyến khích CN gắn bó lâu dài với DN. Qua khảo sát tình hình thu nhập CN ở các DN lân cận, ban giám đốc nhận thấy đề xuất của CĐ cơ sở là xác đáng nên chấp thuận. "Tại hội nghị người lao động (NLĐ) vào tháng 4-2019 tới đây, ban giám đốc và CĐ cơ sở cũng sẽ bàn bạc nhằm cụ thể hóa các khoản phúc lợi nói trên vào thỏa ước lao động tập thể. Mong muốn của chúng tôi là ổn định nguồn nhân lực lâu dài để DN có thể phát triển bền vững" - ông Bách bày tỏ.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động phải là mục tiêu người sử dụng lao động hướng đến
Tại buổi thương lượng nâng lương định kỳ cho CN diễn ra đầu tuần, ban giám đốc Công ty CP Hòa Bình (quận 11, TP HCM) đã đồng ý mức nâng 7%/năm cho toàn thể CN theo đề nghị của CĐ cơ sở. Lý giải việc làm này, ông Lê Hòa Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hòa Bình, chia sẻ: "Luật quy định khoảng cách giữa các bậc lương là 5%, song với mong muốn ổn định đời sống anh, chị em CN, ban giám đốc quyết định tăng thêm 2%. Mức tăng này có thể không nhiều nhưng đó là tấm lòng của DN đối với NLĐ" - ông Bình cho biết.
Công khai để công nhân giám sát
Tại các hội thảo về tiền lương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, nhiều CĐ cấp trên cơ sở tại
TP HCM, phản ánh thực trạng: "Nhiều DN khi xem xét tăng lương chỉ qua loa, chiếu lệ, thậm chí còn cào bằng và điều này đã triệt tiêu động lực làm việc của NLĐ. Bên cạnh đó, chính sách phúc lợi dành cho CN còn tủn mủn và không được đưa vào thỏa ước lao động tập thể, do vậy rất khó giữ chân NLĐ lâu dài..
Vụ ngừng việc tập thể kéo dài 2 ngày tại một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại quận 7, TP HCM mới đây là minh chứng rõ nét cho thực trạng "ăn xổi ở thì" khi xây dựng chính sách tiền lương ở nhiều DN. Khi điều chỉnh nâng lương, thay vì xem xét cống hiến của NLĐ, công ty lại cào bằng giữa CN cũ và CN mới và đó là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Thang, bảng lương, đặc biệt là quy chế trả lương, trả thưởng cũng không được DN công khai khiến CN thêm bức xúc. Phải đến khi các cơ quan chức năng TP khuyến cáo, ban giám đốc mới nhìn nhận thiếu sót và cam kết khắc phục.
Theo ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (quận Thủ Đức, TP HCM), để ổn định nguồn lực lâu dài, DN cần xây dựng chính sách tiền lương, phúc lợi một cách căn cơ, hướng đến mục tiêu ổn định cuộc sống lâu dài của NLĐ. Tại Công ty TNHH Ever Win, gần chục năm qua, khi xây dựng chính sách tiền lương, đãi ngộ, ban giám đốc đều bàn bạc với CĐ cơ sở. Trên cơ sở đề xuất của CĐ và tình hình DN, hai bên sẽ thống nhất các điều khoản chăm lo và cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể để làm cơ sở thực hiện. Quyền lợi CN được hưởng được niêm yết công khai để họ có thể tự giám sát.
Ở các DN như Công ty TNHH Triple Việt Nam (huyện Củ Chi), Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức), nhờ chính sách tiền lương minh bạch cùng chế độ đãi ngộ thỏa đáng mà đời sống NLĐ rất ổn định, nhờ đó họ an tâm cống hiến lâu dài. Cả chủ DN và CĐ cơ sở luôn coi trọng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng CN, từ đó phối hợp hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ. "Các ý kiến đóng góp của số đông CN được CĐ cơ sở ưu tiên xem xét. Trên cơ sở tình hình của DN, CĐ cơ sở sẽ đề xuất chính sách tiền lương, đãi ngộ phù hợp trong quá trình đàm phán" - ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty May mặc TNHH Triple Việt Nam, cho biết.
"Chính sách tiền lương càng thực chất và động viên NLĐ làm việc lâu dài thì DN càng có lợi. Mong muốn của số đông CN là thu nhập phải sống được và có tích lũy, do vậy chính sách chăm lo, đãi ngộ phải xuất phát từ thiện chí của DN". Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Bài và ảnh: TRỰC NGÔN