Vietstock - Phân tích kỹ thuật phiên chiều 26/05: Vượt vùng 850-860 điểm
VN-Index tạo Body Gap Up trong phiên giao dịch sáng 26/05/2020, qua đó cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư.
Tín hiệu kỹ thuật của VN-Index
VN-Index tạo Body Gap Up trong phiên giao dịch sáng 26/05/2020, qua đó cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư.
Mặt khác, chỉ số vượt lên trên vùng kháng cự 850-860 điểm (hội tụ ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8%) hàm ý sự tiếp diễn của nhịp tăng, song điều này chỉ được xác nhận nếu chỉ số giữ được điều này cho đến cuối phiên. Khi đó, kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ là vùng 880-900 điểm (hội tụ đường SMA 200 tuần và đáy cũ tháng 01/2019, tháng 10/2018,…).
Tín hiệu kỹ thuật của HNX-Index
Trong phiên sáng 25/05/2020, HNX-Index xanh nhẹ và tạo cây nến có bóng dưới dài, qua đó chứng tỏ lực cầu tại vùng giá thấp vẫn hiện hữu.
Nếu HNX-Index vẫn giữ được đà tăng này khi kết thúc phiên giao dịch thì mục tiêu tiếp theo sẽ là vùng kháng cự 110-111.5 điểm (đỉnh cũ tháng 04/2020).
AAA (HM:AAA) - CTCP Nhựa An Phát Xanh
Sau khi giằng co tại kháng cự mạnh là vùng 12,400-13,000 (vùng tích lũy tháng cuối tháng 12/2019, đầu tháng 01/2020), phiên tạo Falling Window trong ngày 09/03/2020 đã báo hiệu một nhịp giảm mới.
Khi rơi về hỗ trợ tại vùng 8,800-9,500 (ngưỡng Fibonacci Projection 78.6%), AAA đã tạo mẫu hình nến One White Soldier trong phiên 01/04/2020, qua đó hàm ý sự kết thúc của nhịp giảm. Phiên tăng tiếp theo và đóng Falling Window (trong phiên 30/03/2020) đã xác nhận điều này, đồng thời phiên tạo Rising Window tiếp theo đã mở ra nhịp tăng mới ở mã.
Sau khi tiến đến kháng cự tại vùng 10,500-11,200 (đáy tháng 01/2020) và rung lắc tại đây, giá đã bứt phá khỏi vùng này trong phiên 15/04/2020 với cây nến White Marubozu, qua đó chứng tỏ đà tăng sẽ còn tiếp diễn.
Hiện tại, giá đã điều chỉnh sau khi test vùng 12,200-13,000 (đỉnh cũ tháng 01, 02/2020), song hỗ trợ tại middle Bollinger Bands vẫn được giữ vững. Điều này cho thấy tình hình không mấy bi quan. Mặt khác, phiên tạo White Opening Marubozu sáng 26/05/2020 cho thấy nhiều khả năng, vùng này sẽ bị phá vỡ. Khi đó, vùng 13,800-14,300 (đáy tháng 01/2019) sẽ là điểm đến tiếp theo của giá.
NLG (HM:NLG) - CTCP Đầu tư Nam Long
NLG hoàn thành mẫu hình nến Morning Star vào ngày 25/03/2020, sau khi đã chạm hỗ trợ tại vùng 17,500-18,500 (đáy cũ tháng 05/2017), qua đó hàm ý sự kết thúc của nhịp giảm. Cây nến xanh trong phiên giao dịch tiếp theo đã xác nhận cho tín hiệu này, đồng thời mở ra một nhịp tăng mới ở mã.
Sau khi chạm kháng cự tại vùng 20,800-21,700 (đáy cũ tháng 12/2017), NLG điều chỉnh nhẹ và đi ngang tại vùng này. Ngày 29/04/2020, giá tạo thanh nến White Closing Marubozu cùng khối lượng bứt phá, đồng thời vượt khỏi vùng 20,800-21,700. Điều này dự báo nhịp tăng đã trở lại.
Giá xuất hiện tín hiệu điều chỉnh khi tạo mẫu hình nến Tweezer Tops (ngày 15/05/2020) sau khi chạm kháng cự tại vùng 23,800-24,700 (hội tụ đáy cũ tháng 02/2020 và đường SMA 100 ngày). Trong phiên sáng 26/05/2020, NLG đã hồi phục nhờ hỗ trợ 22,500-23,200 (hội tụ đường middle Bollinger Band và đáy cũ tháng 01/2019), song cây nến High Wave xuất hiện cho thấy lực cung vẫn khá mạnh. Vùng này sẽ tiếp tục là hỗ trợ của mã trong những phiên tới.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock