Vietstock - Ngành thuế nghiên cứu giãn, hoãn thuế cho người bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập chi cục thuế khu vực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành hôm nay (26-2).
* Fitch hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,3% vì Covid-19
* Người dùng được hỗ trợ gì từ ngân hàng giữa mùa dịch Covid-19?
* Ngành kinh doanh nào có cơ hội trong dịch COVID-19?
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, ngành thuế nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 - Ảnh: T.HẢI |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết do dịch cúm COVID - 19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có cơ sở điều chỉnh một số chỉ tiêu vĩ mô, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Do đó nhiệm vụ kép của Chính phủ là vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam là nước thành công trong phòng chống dịch bệnh này. Nhưng vì tính mạng và sức khỏe, an toàn của người dân nên Chính phủ phải có biện pháp mạnh mẽ để hạn chế người dân ở các vùng dịch nên ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, hàng không và một số ngành khác.
Trong bối cảnh dịch COVID - 19, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19.
"Những biện pháp về tài khóa như các nước họ đã làm, trong thẩm quyền thì Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ như chậm nộp, hoãn nộp, giãn nộp thuế để tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do COVID - 19" - Thủ tướng quyết liệt.
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành thuế trong việc tinh gọn bộ máy. Với hơn hai năm qua, ngành thuế đã giảm từ 711 chi cục thuế còn 415 chi cục và giảm 2.100 đội thuế, hoàn thành nhiệm vụ trước 10 tháng so với mục tiêu đặt ra. Từ đó, số biên chế, bộ máy của ngành thuế giảm đáng kể.
Bên cạnh sắp xếp bộ máy trong hai năm qua, người đứng đầu Chính phủ còn biểu dương ngành thuế đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý thu ngân sách nhà nước góp phần đảm bảo ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô. Như năm 2019, toàn ngành thuế đã thu đạt 1,27 triệu tỉ đồng, vượt 9,3% so với dự toán giao.
Mặt khác, theo Thủ tướng, môi trường kinh doanh của VN tăng 22 bậc, trong đó thủ tục thu thuế, nộp thuế có nhiều tiến bộ khi áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân với ngành thuế tăng so với những năm trước.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong hơn 2 năm qua, tổng cục Thuế đã giảm được 2.485 đầu mối (27 phòng thuộc Tổng cục; 62 Phòng của Cục thuế tỉnh, thành phố; giảm 296 Chi cục thuế tại các Cục thuế tỉnh, thành phố; 2.100 Đội Thuế thuộc Chi cục Thuế).
TP.HCM (HM:HCM) có chi cục thuế khu vực đầu tiên Sáng 26-2, Bộ Tài Chính đã công bố quyết định sáp nhập chi cục thuế Q.7 và Chi cục thuế Nhà Bè thành chi cục thuế khu vực Q.7 - Nhà Bè. Đây cũng là chi cục thuế khu vực đầu tiên của TP.HCM. Bày tỏ đồng tình với chủ trương sắp xếp lại các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, UBND TP đã giao Cục Thuế TP chủ động nghiên cứu phương án sáp nhập. Căn cứ tính hình thực tế tại địa phương, UBND TP đã thống nhất phê duyệt phương án sáp nhập sáp nhập Q.7 và Chi cục thuế H.Nhà Bè để thành lập Chi cục thuế khu vực Q.7 - H. Nhà Bè và chi cục thuế Q.12 và chi cục thuế huyện Hóc Môn thành chi cục thuế khu vực Q.12 – H. Hóc Môn. Ngay sau khi Bộ Tài Chính ban hành quyết định kế hoạch sáp nhập các chi cục thuế trực thuộc Cục thuế TP.HCM vào ngày 7-2, UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở ngành, quận huyện trên địa bàn liên quan đến chi cục thuế khu vực phối hợp chặt chẽ với Cục thuế TP trong công tác quản lý thuế, quản lý thu ngân sách nhà nước, hạch toán, kế toán, ngân sách, báo cáo, quyết toán thu ngân sách nhà nước… tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác trên địa bàn theo cơ chế một cửa liên thông. Trong chiều nay, 26-2, TP.HCM sẽ thực hiện ngay việc sáp nhập này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, sau khi sáp nhập, cơ quan thuế vẫn duy trì bộ phận nộp và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính khu vực tại Nhà Bè. Cả hai bộ phận tại Q.7 và Nhà Bè thực hiện nhận và giải quyết hồ sơ cùng lúc. Người dân tại Q.7 nhưng giáp ranh Nhà Bè vẫn có thể chọn nộp hồ sơ tại bộ phận nộp và giải quyết hồ sơ thủ tục khu vực Nhà Bè nếu cảm thấy thuận tiện. Do vậy việc sáp nhập này sẽ không ảnh hưởng đến người dân đi làm thủ tục. Từ nay đến cuối năm, theo lộ trình, Cục Thuế TP sẽ tiếp tục sáp nhập CCT Hóc Môn và Q.12 thành chi cục thuế khu vực Q.12 - Hóc Môn. Bộ Tài Chính cho Cục Thuế TP.HCM thời hạn đến tháng 10 nhưng nhiều khả năng việc thực hiện này sẽ xong sớm hơn. |
L.THANH - A.HỒNG