Vietstock - 'Sập sóng' ở Phan Thiết, nhà đầu tư chôn tiền tỉ
Sau một thời gian “làm mưa làm gió” thì hiện nay các sàn giao dịch bất động sản ở Bình Thuận gần như “bất động”. Trong giới đầu tư bất động sản du lịch ven biển tại đây, nhiều người như “ngồi trên đống lửa”...
* Doanh nghiệp bất động sản nào đạt lãi ròng cao nhất năm 2019?
* Nhanh chóng đề xuất giải pháp giúp các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM (HM:HCM)
* TP HCM hẹn gỡ khó các dự án bất động sản hàng tuần
Mấy năm, chỉ làm được... hàng rào
Chị Lý Huệ Mùi, một người đầu tư bất động sản (BĐS) ở Q.11 (TP.HCM), cho biết do được bạn bè quen biết giới thiệu, vợ chồng chị đã đầu tư vốn để mua hai lô biệt thự, mỗi lô 250 m2 ở một dự án ngoài Mũi Né (TP.Phan Thiết).
Chủ đầu tư hứa hẹn sẽ có “đầy đủ tính pháp lý” trong vòng 1 năm, nhưng đã hơn 3 năm nay, gia đình chị Mùi vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận chủ quyền đất dù đã đầu tư vào đây gần 10 tỉ đồng. “Hỏi thì chủ đầu tư cứ vòng vo, nay lý do này, mai lý do khác. Trong khi 10 tỉ bạc của tôi nếu gửi ngân hàng, hoặc đầu tư ở dự án khác có pháp lý thì có thể đã sinh lãi nhiều hơn rồi”, chị Mùi bức xúc.
Đến từ Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Hòa kể, thấy tiềm năng đất đai ven biển Bình Thuận “sáng” quá nên vợ chồng anh cũng gom vốn cùng bạn bè mua 4 lô đất ở một dự án ở xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết). “Nghe nói sắp có sân bay Phan Thiết, đất đai sẽ có giá. Do vậy tôi bung vết vốn cùng bạn bè mua đất tại đây để đón đầu. Nhưng đã ba năm qua, dự án sân bay chưa nhúc nhích gì, trong khi chúng tôi đã đóng 65% tiền của 4 lô đất gần chục tỉ đồng. Giờ nhiều lúc gọi chủ đầu tư không bắt máy”, anh Hòa ngao ngán.
Theo Chủ tịch UBND xã Tiến Thành Tống Duy Mạnh (TP.Phan Thiết, Bình Thuận), tại địa bàn xã này, ngoài dự án “Thung lũng đại dương” đang triển khai còn lại không có dự án nào động tĩnh. Xã ven biển này có tới 5 dự án BĐS du lịch, nhưng mấy năm nay “có dự án chỉ làm được cái hàng rào” trong khi chiếm hàng trăm héc ta đất vàng. “Chúng tôi đã có báo cáo thành phố và tỉnh, nêu rõ những dự án chỉ giữ đất mà không làm. Họ triển khai thì địa phương, bà con còn được hưởng lợi. Đằng này chỉ giữ đất chờ sang nhượng, chuyển đổi. Chúng tôi kiến nghị thành phố, tỉnh xem xét, nếu dự án nào không triển khai thì thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực sự có nhu cầu”, ông Mạnh nói.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Bình Thuận, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 77 dự án BĐS được cấp phép, bao gồm cả các dự án đầu tư khu đô thị, xây dựng nhà ở thương mại, dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh BĐS và nhà ở xã hội cho công nhân. Thế nhưng, mới chỉ có 8 dự án có đầy đủ điều kiện kinh doanh. Trong hàng trăm nghìn héc ta đất vàng ven biển đều đã trở thành các dự án BĐS thì cũng chỉ có hai dự án mới bắt đầu có cư dân vào xây dựng nhà ở.
Bất lực quản lý
Theo thống kê của Sở Xây dựng Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 32 dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, trong đó, chỉ 5 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng đất nền, nhà ở. Đối với dự án nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh, có 38 dự án (riêng Phan Thiết 21 dự án, 10 dự án biệt thự để bán và cho thuê lâu dài, 11 dự án biệt thự để bán và cho thuê theo vòng đời dự án), trong số này chỉ có 3/38 dự án đủ điều kiện kinh doanh, còn lại đang trong giai đoạn làm các thủ tục triển khai. Về dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (thực chất người kinh doanh, đầu tư mua nhà này - PV) có 7 dự án, trong đó chỉ có 4 dự án đủ điều kiện kinh doanh. |
Ông Cao Sơn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, thừa nhận cơ quan quản lý nhà nước chưa thể xử lý đối với các dự án “lách luật” bằng cách “đặt chỗ, giữ chỗ” trong các giao dịch BĐS. Hiện nay Sở Xây dựng đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra một số dự án chưa đủ điều kiện. Đầu năm 2020 sẽ tiếp tục thanh tra, kể cả các dự án đủ điều kiện.
Ông Trần Anh Tú, một người môi giới BĐS chuyên nghiệp tại TP.Phan Thiết, nói thẳng việc các chủ đầu tư cho đặt chỗ, giữ chỗ trong dự án BĐS thực chất là đã bán nhà, đất nền dù chưa đủ điều kiện kinh doanh. Đây thực chất là một phương thức huy động vốn, mượn tiền của nhà đầu tư để triển khai dự án. Hình thức này không chỉ rủi ro cho các nhà đầu tư vì sau này sẽ phát sinh các vụ kiện dân sự, mà ngay cả chủ đầu tư cũng gặp rắc rối.
Chuyên gia BĐS Phạm Tuấn Anh cho rằng trong giai đoạn triển khai cao tốc, sân bay Phan Thiết và các dự án lớn thì đất đai ở Bình Thuận, đặc biệt là đất ven biển sẽ được chuyển nhượng mua bán rầm rộ. Điều này tiềm ẩn giá đất sẽ bị đẩy lên trời làm hạn chế sự phát triển thực tế, nhìn Đà Nẵng hiện nay là một ví dụ sinh động nhất. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận cần có chủ trương siết chặt quản lý nhà nước về đất đai. Thẩm định chặt chẽ và chỉ giao dự án cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có nghề, hạn chế cho chuyển đổi đất nông nghiệp. Đối với các dự án chậm triển khai, tỉnh cần có chế tài cụ thể để thu hồi từng phần hoặc toàn phần dự án nếu cố tình giữ đất để đầu cơ.
Theo ông Cao Sơn Dũng, hầu hết các dự án BĐS của tỉnh Bình Thuận đang trong giai đoạn lập các thủ tục đầu tư, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị phát triển dự án đã cho giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. “Do pháp luật dân sự về nhà ở hiện nay không bắt buộc chủ đầu tư phải “xin ý kiến” việc đặt cọc, giữ chỗ. Nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở này để thu tiền người mua, trong khi các hình thức “đặt cọc, giữ chỗ” không được quy định trong luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS”, ông Dũng nói.
Q.Hà