Vietstock - Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Các quan chức cứng rắn ở Bắc Kinh đang dần nâng cao tầm ảnh hưởng
Mặc dù đã 1 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington bắt đầu, giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc vẫn liên tục đưa ra những hàng động vặn vẹo nhằm cố gắng xây dựng một câu chuyện nào đó.
Trong phần lớn thời gian của năm qua, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc luôn nhấn mạnh hậu quả từ xung đột thương mại tới nền kinh tế Mỹ, đồng thời vẫn giữ im lặng trước các tác động tiêu cực có khả năng ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế Trung Quốc. Chính điều đó đã dẫn đến nhiều câu bông đùa rằng quan chức Trung Quốc có vẻ quan tâm đến Mỹ còn nhiều hơn người dân nước họ.
Nhưng kể từ giữa tháng 5/2019, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên bị đình trệ, hai quốc gia liên tục đổ lỗi và áp thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau, các kênh truyền thông Nhà nước Trung Quốc đột nhiên dốc toàn lực để khiến tình hình “nóng” lên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải)
|
Các bài bình luận cáo buộc Washington vì đã đặt áp lực cực kỳ lớn lên Bắc Kinh và tuyên bố rằng người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận những yêu cầu vô lý mà Mỹ đưa ra. Việc sử dụng con bài chủ nghĩa dân tộc luôn là vũ khí ưa thích của Chính phủ Trung Quốc trong những dịp như thế này và kênh phim của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc thậm chí còn bắt đầu cho phát sóng lại những bộ phim chống Mỹ trong bối cảnh thời chiến tranh Hàn Quốc.
Thú vị hơn nữa là vào giữa thời điểm Mỹ-Trung đang chạy nước rút để chuẩn bị cho cuộc họp diễn ra vào ngày 29/06/2019 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, các tổ chức truyền thông hàng đầu Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và Guangming Daily lại đột nhiên chĩa mũi dùi vào những người được họ gọi là “một nhóm nhỏ” những người Trung Quốc đã thúc giục Chính phủ nhượng bộ Mỹ để kết thúc chiến tranh thương mại.
Trong một tuần vào tháng 6, Nhân dân Nhật báo đã đưa ra những bài bình luận gay gắt buộc tội nhóm người trên không có lòng yêu nước và truyền bá những tư tưởng độc hại và sai lệch về quyết định của Trung Quốc đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại suốt 6 ngày liên tiếp trên trang web của họ.
Trong một bài đăng tải trên báo Xinhua Daily Telegraph, những người đã thúc giục thỏa hiệp với Mỹ được báo này ví như những người lính ném lựu đạn về phía đồng đội trong thời chiến. Các bài luận này nói quá lên đến nỗi ví những người này là những người hèn kém, nói rằng họ sợ hãi hoặc tôn thờ Mỹ.
Sự bùng nổ đột ngột của các phương tiện truyền thông chính thức là điều rất đáng chú ý. Trong số một vài điều khác, có một vài dấu hiệu cho thấy những quan chức cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc đang dần trỗi dậy, họ được giúp đỡ bởi những cuộc đàm phán thương mại không hồi kết giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và sự khó lường từ chính quyền Donald Trump. Nhà Trắng hiện đang bị phe “diều hâu” về Trung Quốc chiếm ưu thế.
Điều thú vị là thời điểm mà truyền thông Trung Quốc lên tiếng đả kích những người sợ hãi hoặc tôn thờ Mỹ lại trùng với thời điểm chính quyền Trung Quốc tăng cường nỗ lực buộc các công ty và khu dân cư thay đổi những cái tên nghe giống tiếng nước ngoài của họ.
Suốt vài thập kỷ vừa qua, các công ty bất động sản đã đặt tên các tòa nhà văn phòng và tài sản dân cư của họ theo tên các địa điểm ở Mỹ như California, Manhattan hay Hawaii, với hy vọng việc đặt tên này sẽ tạo ra bầu không khí của sự đẳng cấp và sung túc và thu hút tầng lớp trung lưu của Trung Quốc. Việc một công ty thuần Trung Quốc có nhiều tòa nhà văn phòng và khu dân cư được đặt tên với chữ “Manhattan” là chuyện thường thấy.
Năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã ban hành tài liệu yêu cầu các thành phố trên khắp đất nước phải xem xét và sửa lại tên gọi của các tài sản vốn có tên nước ngoài, tên theo kiểu phong kiến hoặc tên lạ. Nhưng các chính quyền địa phương lại cố gắng “lê lết” kéo dài thời gian đến tận cuối thời hạn vào tháng 6/2019, đến khi đó, nhiều thành phố mới bất ngờ ban hành lệnh xóa tên. Điều này đã gây ra sự mất tinh thần phủ rộng khắp nhiều công ty và dân cư vì tên tài sản của họ thường được gắn liền với việc đăng ký hộ khẩu (hukou) hoặc quyền sở hữu tài sản và việc thay đổi tên ít nhất sẽ đem lại rắc rối.
Hơn thế nữa, một vài công ty – trong đó có chuỗi khách sạn của Vienna Hotel Group có trụ sở ở Hải Nam (Trung Quốc) – đã đăng ký tên của hộ làm tên thương hiệu. Sự mâu thuẫn trên nâng cao mối lo ngại về việc để đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc có khả năng tăng cường việc điều khiển nhận thức của người dân bằng cách gióng lên hồi trống chống đối việc “tôn thờ mù quáng ý tưởng và hàng hóa ngoại quốc”.
Trong quá khứ, bất cứ khi nào chủ nghĩa bảo thủ ngẩng cao đầu, việc chống đối sự tôn thờ mọi thứ ngoại quốc luôn là cái cớ thuận tiện nhất.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông đã thúc đẩy học thuyết “bốn niềm tin”, trong đó các quan chức và người dân thường Trung Quốc được khuyến khích phải “tin tưởng vào đường lối, hê thống chính trị, học thuyết cốt lõi và văn hóa của Trung Quốc”.
Mặc dù Chính phủ có toàn quyền để thúc đẩy học thuyết này, nhưng nó cần phải có sự cân bằng với nhu cầu giữa sự mở cửa và học hỏi từ kinh nghiệm, ý tưởng của các nước khác trên thế giới.
Điều này đặc biệt đúng vào thời điểm ông Tập và các lãnh đạo khác của Trung Quốc liên tục khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc sẽ giữ vững tiến trình cải cách và mở cửa.
Thực tế, Chính phủ Trung Quốc có thể tăng cường “bốn niềm tin” của họ bằng cách trở nên bao quát và khoan dung hơn với những ý kiến và giá trị khác nhau, và sẵn lòng đón nhận chỉ trích.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Wang Xiangwei, cố vấn biên tập cho tờ SCMP
Vũ Hạo (Theo SCMP)