Vietstock - Dệt may Việt Nam bao giờ thoát bóng gia công?
Tám tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2017.
Gần 2 tháng trước, một trung tâm thời trang quy tụ 60 thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Phong Phú, Kico... đã được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa vào vận hành. Tập đoàn này dự định mở thêm một trung tâm tương tự tại Hà Nội vào đầu năm sau.
Việc mở trở lại trung tâm bán lẻ thời trang thuần Việt của "ông lớn" dệt may sau sự đổ bộ rầm rộ hơn một năm qua của nhiều thương hiệu thời trang ngoại như Zara, H&M và sắp tới là Uniqlo được xem như một động thái "phòng thủ", song nhận định này được lãnh đạo Vinatex phủ nhận.
Tuy vậy, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex thừa nhận, lâu nay dệt may Việt Nam vẫn đang tập trung quá nhiều vào sản xuất, gia công xuất khẩu mà quên đi khía cạnh phát triển mạnh mẽ thời trang dệt may.
Sản xuất áo sơ mi tại một doanh nghiệp may xuất khẩu.
|
Thế nhưng dung lượng, quy mô thị trường nội địa thấp, ước chừng 4,5 tỷ USD buộc doanh nghiệp dệt may vẫn phải chọn xuất khẩu là miếng bánh chủ lực để phát triển. Còn với thị trường trong nước lại cần giải pháp mũi nhọn chứ không phải kiểu “nhà nhà làm nội địa”.
Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, xuất khẩu dệt may chững lại một năm nhưng sau đó hồi phục và duy trì tăng trưởng trung bình 15% đến nay. Đơn cử, với giá trị xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016, năm 2017 thặng dư thương mại của ngành dệt may đã chạm 15,5 tỷ USD. Sáu tháng 2018, thặng dư thương mại dệt may đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,87% so cùng kỳ năm ngoái.
8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2017. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và ghi nhận doanh thu, lãi đột biến. Tổng công ty cổ phần Phong Phú ghi nhận doanh thu 1.749 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 149 tỷ và xuất khẩu đạt 28,1 triệu USD trong nửa đầu năm nay.
Công ty Cổ phần Đầu Tư & Thương Mại TNG cũng có tháng 7 đột phá với doanh thu đạt 413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong tháng tới 23,6 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm, TNG thu lãi gần 91 tỷ đồng, tăng 80% cùng kỳ.
Triển vọng xuất khẩu năm nay tốt, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may 34 - 35 tỷ USD năm nay. “Kết cấu thị trường xuất khẩu dệt may chuyển dịch nhanh, không bị phụ tuộc vào thị trường đơn lẻ. Doanh nghiệp đã có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị tăng cao”, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận xét.
Cơ hội đến với dệt may là thế, nhưng không thiếu những rào cản vẫn còn lấn át. Giá trị gia tăng trong sản phẩm thời trang Việt thực tế vẫn rất thấp khi những đơn hàng, hợp đồng sản xuất hay xuất khẩu theo ODM (bao gồm cả khâu thiết kế) vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi phần lớn là hợp đồng xuất khẩu gia công.
“Chúng tôi đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ hợp đồng ODM lên 10%, giúp gia tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị sản phẩm, đơn hàng”, vị này nói.
Nửa đầu năm 2018, doanh thu nội địa của Vinatex tăng gần 27% so với cùng kỳ, đạt hơn 6.050 tỷ đồng. Tổng công ty Dệt may miền Bắc, Phong Phú hay Việt Thắng... là những cái tên trong top đơn vị góp doanh thu nội địa cao nhất, lần lượt là 2.057 tỷ, 1.212 tỷ và 664,5 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu nội địa năm nay tập đoàn này sẽ đạt gần 12.640 tỷ, tăng 23% so với 2017.
Cái khó của hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi “về sân nhà” được không ít ông chủ ngành này thừa nhận. Giám đốc một công ty sản xuất may mặc tại Hải Dương nêu sự khác biệt “một trời một vực” giữa sản xuất gia công và hàng phục vụ thị trường nội địa. Theo ông, phục vụ thị trường nội địa sẽ khó khăn hơn khi doanh nghiệp buộc phải có những cuộc khảo sát để nắm bắt tâm lý, thị hiếu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ông ví, làm hàng gia công doanh nghiệp sản xuất kiểu “lập trình sẵn”, hàng sản xuất trong nước cần chuyên sâu, làm bài bản để có chỗ đứng ngay trên chính sân nhà.
“Phục vụ thị trường nội địa, các công ty buộc phải có những cuộc khảo sát để nắm bắt tâm lý, thị hiếu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước. Tức là doanh nghiệp phải làm rất bài bản để có hướng đi cho riêng mình”, ông bộc bạch.
Cho rằng không phải bây giờ các thương hiệu ngoại mới tiến quân vào thị trường thời trang Việt, mà đây là điều tất yếu khi Việt Nam hội nhập, ông Hiếu tự tin, thời trang dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. “Chúng tôi sẽ giữ vững thị trường nội địa bằng chất lượng, giá cả hợp lý. Tất nhiên cạnh tranh là khốc liệt”, ông Hiếu nói.
Anh Minh