Vietstock - Nhân viên ngân hàng nào làm việc hiệu quả nhất?
Ngành ngân hàng đang dần trở lại thời hoàng kim và con số lãi khủng qua báo cáo tài chính quý 2 đã phần nào phản ánh tình hình sức khỏe của các nhà băng. Chênh lệch về quy mô cũng như số lượng nhân viên phần nào ảnh hưởng đến chất lượt hoạt động của các ngân hàng. Vậy nhân viên ngân hàng nào làm việc hiệu quả nhất và có thu nhập cao nhất khi các nhà băng đều tăng lãi?
Xét trên các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2, tính đến ngày 31/07, dẫn đầu về lượng nhân viên là “điểm sáng mới nổi” Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) với 25,235 người, tăng hơn 1,400 người so với thời điểm cuối năm 2017. “Anh cả” Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) với 17,012 nhân viên chỉ về ba xếp sau Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) là 18,512 người.
Các nhà băng còn lại như Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HOSE: HDB), Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) cũng có lượng nhân viên trên 10,000 người.
Số lượng nhân viên các ngân hàng tính đến 30/06/2018
|
Tuy nhiên, xét về thu nhập lãi thuần thì có 2 điểm sáng cách biệt khá xa với các nhà băng còn lại. Thứ nhất là “ông lớn” VCB vẫn đứng đầu với con số trên 12,997 tỷ đồng; VPB cũng không hề kém cạnh với 12,186 tỷ đồng lãi thuần mặc dù các hoạt động còn lại không mấy khả quan. Kế đến là MBB và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HOSE: TCB) đều có mức lãi thuần trên 5,000 tỷ đồng. Các nhà băng còn lại như ACB, STB, LPB, VIB và TPB dao động trong khoảng 1,000 – 5,000 tỷ đồng.
Và trong 6 tháng đầu năm nay, nhân viên VCB đang “cày” nặng nhất hệ thống khi bình quân một nhân viên đem về 764 triệu đồng thu nhập lãi thuần. Tiếp đến là nhân viên TCB với bình quân 576 triệu đồng/người. Trong khi đó, mặc dù thu nhập lãi thuần cao ngang ngửa VCB nhưng mỗi nhân viên VPB chỉ đem về 483 triệu đồng/người, xếp sau cả BAB và MBB là 522 triệu đồng/người và 488 triệu đồng/người.
Thu nhập lãi thuần bình quân mỗi nhân viên ngân hàng “đem về” (Đvt: Triệu đồng)
|
Thế nhưng khi xét đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mà mỗi nhân viên ngân hàng đem về trong 6 tháng đầu năm, TCB lại đảo ngược vị trí vượt qua VCB đạt 661 triệu đồng, leo lên vị trí dẫn đầu với 712 triệu đồng. Có thể hiểu rằng nhân viên của TCB đang làm việc hiệu quả nhất trong 6 tháng qua khi dẫn đầu bảng xếp hạng, kế đến là nhân viên của VCB.
Xếp thứ 3, mỗi nhân viên của MBB mang về 394 triệu đồng. Kế đến là nhân viên của VPB, BAB, ACB, TPB, VIB, Vietbank, LPB, HDB, EIB cũng đem về từ 100 - 400 triệu đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Các ngân hàng còn lại ở mức dưới 100 triệu đồng.
Lợi nhuận thuần từ HĐKD trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mỗi nhân viên ngân hàng đem về (Đvt: Triệu đồng)
|
Không chỉ lợi nhuận mà ngay cả khoản mục chi phí cho nhân viên cũng được nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trong kết quả kinh doanh quý 2.
Làm việc hiệu quả đương nhiên thu nhập bình quân của nhân viên VCB cũng tăng cao với con số bình quân 37.6 triệu đồng/người/tháng. TCB, VIB, TPB, ACB, BAB và MBB cũng không kém cạnh khi thu nhập bình quân mỗi nhân viên đều trên 25 triệu đồng/người/tháng trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, đáng chú ý là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB), mặc dù quy mô nhân viên chỉ nằm trong top cuối nhưng thu nhập bình quân mỗi nhân viên đạt 26.5 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với hồi cuối năm 2017.
Mặc dù quỹ lương và phụ cấp tăng 7% nhưng thu nhập của mỗi nhân viên VPB chỉ ở nhóm trung bình 18 triệu đồng/người/tháng.
Một trong số ít ngân hàng ghi nhận giảm chi lương và phụ cấp cho nhân viên phải kể đến là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank, LPB) khi giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017. Do đó, thu nhập bình quân mỗi nhân viên LPB chỉ khoảng 14 triệu/người/tháng, thấp hơn gần 3 triệu đồng so với hồi cuối năm 2017.
Còn lại nhân viên của các ngân hàng như STB, VietBank, KLB có thu nhập bình quân từ 14 – 19 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân tháng của các nhân viên ngân hàng (Đvt: Triệu đồng)
|
Hiện tại, các ngân hàng đang vào giai đoạn nước rút công bố kết quả kinh doanh bán niên 2018. Liệu rằng sao có đổi ngôi khi các ông lớn gốc Nhà nước như BID, CTG vẫn chưa lên sóng?
Hàn Đông