Vietstock - Áp lực tăng vốn của ngân hàng sẽ kéo dài đến 2020
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31-12-2016, tổng vốn điều lệ của 35 ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay là 387.009 tỉ đồng, tăng 55.940 tỉ đồng so với năm 2015.
Trong đó nhóm bảy NHTM Nhà nước là 154.583 tỉ đồng, tăng 17.490 tỉ đồng, nhóm 28 NHTM cổ phần là 232.425 tỉ đồng, tăng 38.449 tỉ đồng so với năm 2015. Năm 2017 có 19/35 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng là hơn 37.000 tỉ đồng. Dự kiến áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng sẽ còn kéo dài đến tận năm 2020.
Kế hoạch tăng vốn ồ ạt trong năm 2017
Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, bất chấp những khó khăn trong hoạt động, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng vốn “khủng” trong năm nay. Cụ thể, có 19 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng thêm là 37.135 tỉ đồng, trong đó có những ngân hàng đặt kế hoạch tăng mạnh như BIDV tăng 4.445 tỉ đồng, Techcombank tăng 5.000 tỉ đồng, Vietcombank tăng 3.598 tỉ đồng, Đông Nam Á tăng 3.534 tỉ đồng, VPBank tăng 3.294 tỉ đồng, Quốc dân tăng 3.000 tỉ đồng và VIB tăng 2.259 tỉ đồng.
Phương án tăng vốn chủ yếu thông qua các hình thức quen thuộc từ trước đến nay như phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược hoặc kết hợp tất cả các hình thức trên. Cụ thể, BIDV sẽ phát hành 102,6 triệu cổ phiếu ESOP; 239,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 102,6 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Theo tờ trình của BIDV, ngân hàng này có thể xem xét phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn tự có cấp 2.
Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, áp lực lên việc tăng vốn tự có từ giờ cho đến lúc đó là rất lớn. |
Đáng chú ý là các ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ hiện tại chỉ ngang với vốn pháp định 3.000 tỉ đồng vẫn chưa thấy đặt ra kế hoạch tăng vốn. Cụ thể, Ngân hàng Bảo Việt vốn điều lệ cuối năm 2016 là 3.150 tỉ đồng, GPBank là 3.016 tỉ đồng, Kiên Long, Bản Việt và PGBank đều cùng 3.000 tỉ đồng. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay thì việc tăng thêm vốn là bài toán khó của các ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ. Như Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn từ 3.080 lên 4.080 tỉ đồng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, và trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông đầu tháng 6 vừa qua thì kế hoạch tăng vốn trên tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Thống kê cho thấy hiện tại có bốn ngân hàng vốn điều lệ trên 20.000 tỉ đồng, chín ngân hàng vốn điều lệ từ 10.000-20.000 tỉ đồng, 12 ngân hàng vốn điều lệ từ 5.000-10.000 tỉ đồng và 10 ngân hàng vốn điều lệ dưới 5.000 tỉ đồng. NHNN từng đặt ra lộ trình mong muốn NHTM tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng vào năm 2010; 5.000 tỉ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỉ đồng vào năm 2015, nhưng sau đó phải hoãn lại vì gặp quá nhiều khó khăn.Về cơ bản, một tổ chức tín dụng (TCTD) phải có vốn điều lệ ít nhất từ 10.000 tỉ đồng trở lên thì năng lực tài chính mới được xem là vững chắc, do đó các ngân hàng sẽ còn tiếp tục đối mặt với điệp khúc tăng vốn trong những năm tới.
Áp lực tăng vốn sẽ còn kéo dài đến 2020
Các ngân hàng đặt ra kế hoạch ồ ạt tăng vốn điều lệ trong năm 2017 là nhằm nâng cao vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) để có thể mở rộng phát triển kinh doanh. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Trong năm 2016, nhiều ngân hàng cũng đã khá thành công với các phiên phát hành trái phiếu dài hạn như ACB, VietinBank, Vietcombank, VPBank, LienVietPostBank và Quốc dân.
Tuy nhiên, phần lớn các trái phiếu này được các ngân hàng đầu tư lẫn nhau. Theo một thống kê của Công ty Chứng khoán VCBS, gần 50% lượng trái phiếu cấp 2 phát hành được mua bởi các ngân hàng. Báo cáo tài chính năm 2016 cũng cho thấy điều này khi khoản mục đầu tư trái phiếu do các TCTD khác phát hành của một số ngân hàng đã tăng mạnh.
Cụ thể, số liệu chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành của Ngân hàng Quân đội vào cuối năm 2016 tăng 5.133 tỉ đồng, của SHB tăng 2.468 tỉ đồng, của Vietcombank tăng 4.606 tỉ đồng, của VPBank tăng 3.402 tỉ đồng (trong đó có 1.819 tỉ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) và của VIB tăng gần 532 tỉ đồng.
Điều đáng lưu ý là theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, phần vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các ngân hàng khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của TCTD. Điều ngày đồng nghĩa với việc những ngân hàng đang sở hữu lượng trái phiếu cấp 2 của các ngân hàng khác với số lượng lớn thì từ năm 2020 trở đi vốn tự có cấp 2 sẽ chịu áp lực suy giảm khi phải loại trừ các khoản đầu tư này. Đây là một điểm mới của thông tư trên so với các quy định trước đây.
Cụ thể, theo hướng dẫn cách xác định của Thông tư 41, với phần mua, đầu tư vào nợ thứ cấp của TCTD, bắt đầu từ năm thứ năm trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), khoản mua, đầu tư nợ thứ cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó sẽ được khấu trừ 20% của tổng giá mua.
Cũng theo thông tư trên thì cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Mặc dù tỷ lệ mới theo quy định sẽ chỉ giảm từ 9% xuống còn 8%, nhưng các thông số đầu vào để tính sẽ khắt khe hơn và có xét đến các yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Cũng vì vậy nên NHNN mới phải dời lộ trình trễ ba năm, đến 2020 mới áp dụng chính thức. Do đó, áp lực lên việc tăng vốn tự có từ giờ cho đến lúc đó là rất lớn.
Ngoài ra, đối với những ngân hàng yếu kém, việc tăng vốn để bổ sung vốn điều lệ là cấp thiết. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội thông qua cho phép các TCTD bán nợ xấu theo giá thị trường, phần lỗ dù được xem xét phân bổ qua các năm thay vì phân bổ tất cả ngay lập tức, nhưng dù theo cách nào thì cũng ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận giữ lại của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vốn tự có của các ngân hàng.