Vietstock - Quỹ mở “nát óc” tìm cách huy động vốn
Không còn đơn thuần kiểu huy động vốn trực tiếp tìm kiếm nhà đầu tư, nhiều quỹ mở đang mở rộng theo các xu hướng khác nhau, trong đó có các kênh liên kết với ngân hàng hay hút vốn tương tự kiểu gửi tiết kiệm ngân hàng... để phù hợp và tiếp cận được nhiều nhà đầu tư mới hơn.
Khác với hình thức quỹ đóng, quỹ mở được phép tham gia góp vốn liên tục, và cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ theo giá trị tài sản ròng (NAV) vào bất kỳ ngày giao dịch nào của quỹ. Do đó, các quỹ đầu tư phải tìm cách huy động vốn từ khách hàng bằng nhiều hình thức khác nhau để tăng quy mô hoạt động. Những năm gần đây, loại hình quỹ mở phát triển ngày càng mạnh hơn trước, hình thức huy động vốn từ khách hàng cũng “muôn màu muôn vẻ” hơn.
Nguồn:VCBF
|
Trong dịp trao đổi với người viết hồi tháng 4, ông Bùi Sỹ Tân – phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, hiện tại các quỹ mở đang rất được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tính đến 31/12/2017, cả nước mới có 21 quỹ mở với tổng tài sản quản lý gần 8,000 tỷ đồng, chiếm 0.15% GDP. Ở châu Á, trung bình ngành quỹ mở chiếm 9% GDP. Nếu xét tới Đông Nam Á, ví dụ Indonesia và Philippines nơi mà thị trường nhỏ hơn, thì quy mô của thị trường cũng vào khoảng 2.5% GDP. Vì vậy, nếu giả định quy mô ngành quỹ mở Việt Nam đạt 1% GDP, thì quy mô thị trường sẽ khoảng 50,000 tỷ đồng. Do đó, tiềm năng của thị trường còn rất lớn nên việc có nhiều quỹ mới sẽ được thành lập là điều chắc chắn.
Nhận định về kết quả đạt được trong vài năm gần đây, ông Bùi Sỹ Tân cho biết các quỹ mở trên thị trường nói chung và của VCBF nói riêng đạt lợi suất hơn 20%/năm trong 3 năm qua, gấp hơn 3 lần lãi suất tiết kiệm làm cho các nhà đầu tư đang đầu tư vào quỹ hài lòng và nhà đầu tư mới sẽ hứng khởi quan tâm tìm hiểu. Bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều khía cạnh tích cực để ngành quỹ mở phát triển. Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng ổn định, lãi suất ngân hàng thấp cùng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những năm qua đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tìm đến chứng khoán. Thứ hai, quy mô thị trường tăng lên, nhiều công ty mới lên sàn khiến thị trường ngày càng “có thể đầu tư được - investible” – theo ngôn ngữ của một số nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, một mặt vốn nước ngoài vào nhiều hơn thúc đẩy thị trường, mặt khác, thị trường sẽ phân hoá với nhiều hàng hoá, nhiều thông tin khác nhau. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư sẽ tìm nhiều hơn đến quỹ mở để khai thác tính hệ thống và tính chuyên nghiệp của các quỹ trong công tác phân tích và đầu tư. Thứ ba, các quỹ mở tập trung huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, do đó lượng tiền tích lũy trong những năm kinh tế khởi sắc vừa qua rất lớn và sẵn sàng tham gia thị trường chứng khoán.
Giá trị tài sản ròng/ccq (NAV/ccq) của các quỹ mở tính đến ngày 21/06/2018 (Đvt: đồng)
|
Giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ mở tính đến ngày 21/06/2018 (Đvt: tỷ đồng)
(*) Giá trị tính đến 31/05/2018
|
Theo chia sẻ từ ông Bùi Sỹ Tân, huy động vốn thông qua việc kết hợp với ngân hàng là một trong những kênh phân phối chính của các công ty quản lý quỹ trên thế giới. Hiện VCBF có hai cổ đông lớn là Ngân hàng Vietcombank và Franklin Templeton Investments đến từ Mỹ, chắc chắn coi đây là một kênh phân phối chủ yếu về sản phẩm chứng chỉ quỹ của VCBF. Lượng vốn huy động qua kênh này sẽ tăng dần qua các năm và trong năm 2018 có thể lên đến 70%.
Điển hình như sản phẩm VCBF Premier mới được giới thiệu trong năm 2017 của VCBF (mức vốn ủy thác từ 10 tỷ đồng trở lên) hay chương trình đầu tư định kỳ (SIP) cũng đang rất được nhiều nhà đầu tư quan tâm (mỗi tháng nhà đầu tư tham gia 5 triệu đồng).
Tương tự cũng liên kết với các nhà băng, CTCP Quản lý Quỹ VinaWealth, một thành viên của VinaCapital đã ký kết hợp tác với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank, MSB) từ gần cuối năm 2015 để giới thiệu sản phẩm đầu tư quỹ mở đến khách hàng nhằm kêu gọi vốn đầu tư. Hiện trên website đơn vị này có thông tin các đối tác ngoài MaritimeBank còn có các ngân hàng BIDV, SeABank, SCB…
Hay như CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) từ hồi tháng 03/2017 cũng đã giới thiệu đến các nhà đầu tư chương trình đầu tư định kỳ VF-iSAVING. Đây là hình thức dùng một số tiền nhỏ mua chứng chỉ quỹ theo định kỳ (hàng tháng hoặc hàng quý).
Nguồn: VFM
|
Thông tin thêm về việc huy động vốn cho Quỹ VFMVF1, bên lề Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2016 của VFMVF1 (quỹ đầu tư do VFM quản lý), ông Trần Thanh Tân – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết việc huy động vốn theo hình thức truyền thống như trước kia không còn dễ dàng. VFM đã mở rộng tiếp cận khách hàng thông qua kênh ngân hàng và bước đầu đã thu hút được vốn huy động thông qua kênh này. Ngoài ra, VFM cũng sẽ mở rộng tiếp cận khách hàng qua cả kênh bảo hiểm. Ông Trần Thanh Tân cho biết mô hình tiếp cận khách hàng này chủ yếu học hỏi từ Ấn Độ và kỳ vọng sẽ thu hút được lượng vốn lớn trong tương lai.
Cụ thể hơn, ông Bùi Sỹ Tân cho biết, theo thống kê của Hiệp hội Quỹ mở của Ấn Độ, những tháng cuối năm 2017, trung bình mỗi tháng có khoảng 880,000 tài khoản Chương trình đầu tư định kỳ được mở với số tiền đầu tư trung bình trên 1.1 triệu đồng/tháng tại Ấn Độ. Với tư cách là những nhà đầu tư cơ bản dài hạn, các quỹ mở đang chuyển hướng sang các hình thức huy động vốn khác lạ để tiếp xúc được nhiều nhà đầu tư mới tiềm năng.
Rõ ràng định hướng chuyển từ hình thức huy động vốn truyền thống sang liên kết đang có tác dụng khi thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư thuộc các đối tượng khác nhau. Về lâu về dài, xu hướng này liệu có còn khả thi khi tình hình kinh tế ngày càng cạnh tranh và nhu cầu của nhà đầu tư ngày càng phân hóa và nâng cao?
Hàn Đông