Vietstock - NHTW Indonesia ưu tiên sự ổn định của đồng Rupiah hơn tăng trưởng kinh tế
Thông qua động thái nâng lãi suất gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đang thể hiện rằng họ sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế để đổi lấy sự ổn định của đồng nội tệ.
BI gây bất ngờ với các chuyên gia kinh tế bằng một đợt nâng lãi suất thêm 0.5% (mạnh hơn dự báo trước đó) trong ngày thứ Sáu tuần trước, lần nâng lãi suất thứ 3 trong 6 tuần. Được biết, việc NHTW Indonesia liên tục nâng lãi suất trong thời gian ngắn cho thấy sự quyết tâm trong việc ngăn chặn đà suy giảm của đồng Rupiah. Sau động thái này, lãi suất chuẩn của Indonesia đã tăng lên 5.25%, và các chuyên gia phân tích còn dự báo chính sách tiền tệ sẽ bị thắt chặt thêm trong thời gian tới.
* NHTW Indonesia nâng lãi suất lần thứ 3 trong 6 tuần
Nền kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á là một trong những nền kinh tế bị tác động nặng nề nhất trước làn sóng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi – xuất phát từ nguyên nhân lãi suất tại Mỹ ngày càng tăng. Đồng Rupiah lao dốc hơn 5% so với đồng USD trong năm 2018.
Trước khi thị trường biến động mạnh, BI đã giảm lãi suất để thúc đẩy chi tiêu, giảm lãi suất chuẩn 8 lần kể từ năm 2016, nhưng lại chưa thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên cao hơn mức 5% quá nhiều. Điều này cho thấy thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách khi họ đang cố gắng ổn định hóa đồng Rupiah, đồng thời cung cấp đủ sự hỗ trợ cho nền kinh tế khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm tới.
“Dường như, thị trường không hề hoài nghi về sự quyết tâm của tân Thống đốc NHTW trong việc nâng lãi suất thêm nếu cần phải bảo vệ đồng Rupiah”, ông Khoon Goh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á tại at Australia & New Zealand Banking Group Ltd. ở Singapore, cho hay trong ngày thứ Sáu (29/06) trước thời điểm NHTW đưa ra quyết định nâng lãi suất.
Tuy nhiên, họ sẽ phải trả giá khi thắt chặt chính sách quyết liệt như thế này, ông Goh cho biết. “Việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong ngày 29/06 có đủ hay chưa vẫn còn phụ thuộc vào tình hình hiện nay, nhưng BI đang thể hiện rằng họ sẵn sàng hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để đổi lấy sự ổn định của đồng Rupiah”.
Đồng Rupiah có lúc tăng 0.6% so với đồng USD sau quyết định nâng lãi suất trong ngày thứ Sáu (29/06). Tuy nhiên, tính tới lúc 9h35 ngày thứ Hai (02/07 – giờ Jakarta)m đồng tiền này đang giảm gần 0.1% xuống 14,340 đổi 1 USD. Chỉ số chứng khoán chuẩn Jakarta Composite Index tiến 0.1% sau khi tăng 2.3% trong ngày 29/06.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Thống đốc BI, Perry Warjiyo, lại cam kết áp dụng lập trường chính sách chuẩn bị trước cho các diễn biến chính sách mới từ phía Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Để giảm thiểu rủi ro tác động tới nền kinh tế nói chung, NHTW Indonesia cũng nới lỏng một số biện pháp an toàn vĩ mô, như nới lỏng giới hạn về tỷ lệ khoản vay trên giá trị (loan-to-value ratio) đối với bất động sản để cho phép các ngân hàng thúc đẩy hoạt động cho vay mua nhà.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, cho biết Chính phủ sẵn lòng chấp nhận tăng trưởng kinh tế thấp hơn để đánh đổi lấy sự ổn định.
Mặc dù nền kinh tế Indonesia tăng trưởng khoảng 5%, nhưng mức này còn thấp hơn nhiều so với các mức lịch sử và thấp hơn mục tiêu 7% mà ông Widodo đặt ra khi nhậm chức Tổng thống. Ngoài ra, lạm phát cũng thấp khi xét trên các tiêu chuẩn của Indonesia, trong đó giá tiêu dùng tăng trưởng 3.2% trong tháng 5/2018.
Euben Paracuelles, Chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings Inc. ở Singapore, cho biết quan điểm “diều hâu” của NHTW Indonesia vẫn còn nguyên vẹn và trọng tâm sẽ chuyển sang chính sách tài khóa để cung cấp sự hỗ trợ cho nền kinh tế.
“Đây là cơ hội dành cho các biện pháp an toàn vĩ mô được đặt ra để cung cấp môt số sự bù đắp”, ông cho hay. “Quan trọng hơn, tôi nghĩ đây là lúc chính sách tài khóa cần phải thực hiện chức năng ‘gồng gánh’ để thúc đẩy tăng trưởng”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)